1. “…Tôi viết đời nguệch ngoạc trên trang giấy.
Cuộc phiêu du chếch choáng ngôn từ say.
Chữ cái tê cay tạo trọng âm nghịch nhĩ.
Ngày đen chưa đi mà đêm trắng đã trở về.
Tôi không thể tạo câu dài như ánh sáng.
Những đam mê tự giới hạn tâm hồn.
Đời lớn khôn bởi nói lời dại dột.
Cuộc sống ngột vì giấc mộng vượt trùng dương.
Phóng tầm mắt ra ngàn phương,
để quên rằng hướng nào ta đứng…”
(trích trường ca Serenade – Một Danna)
...
2. Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) tên thật là Trần Tung, là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Thái Vương (Trần Liễu), là anh cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Tuổi còn để chỏm, Ngài đã mến mộ cửa Phật, sau Ngài đến tham vấn Thiền sư Tiêu Dao ở Tinh xá Phước Đường. Ngài lãnh hội được yếu chỉ, dốc lòng thờ làm thầy. Sau, vua Trần Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà) bái ngài làm thầy và Thiền phái Trúc Lâm bắt đầu hình thành từ đây. Cuốn “Tụệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải” của Trúc Lâm Tổ Sư trở thành một tác phẩm quan trọng của thiền phái Trúc Lâm. Có người hỏi Thượng Sĩ:
- Thế nào là pháp thân thanh tịnh?
Thầy đáp:
Ra vào trong nước đái trâu
Chui rúc trong đống phân ngựa.
Lại nói:
- Thế ấy thì chứng nhập đi vậy.
Thầy bảo:
- Không niệm nhơ nhớp là thân thanh tịnh. Nghe tôi nói kệ:
Xưa nay không dơ sạch
Dơ sạch thảy tên suông.
Pháp thân không ngăn ngại
Nào sạch lại nào dơ. ...
3. Kí hiệu học so sánh chỉ ra rằng tất cả các khái niệm ngôn ngữ đều là vọng tưởng, những suy nghĩ của chúng ta bị mê hoặc theo một hướng nào đấy. Khi chúng ta truy tìm những khái niệm đi cặp trong cấu trúc lệch pha và đảo nghĩa của một khái niệm ngôn ngữ bất kì thì ta sẽ thấy tính bất định và tương đối của khái niệm đó, và vì thế, mọi suy luận tư tưởng của loài người, từ Socrates đến Sartre, từ Hàn Phi đến Marx, đều bất toàn khiếm khuyết. Điều này cũng đang được triết học đương đại phương Tây nghiên cứu rốt ráo, đặc biệt là ngành kí hiệu học và hậu cấu trúc… Nhưng khi nhìn lại giáo lí của Thiền thì những khám phá về kí hiệu học và siêu hình học mới đây của các triết gia phương Tây cũng không có gì mới cả. Tôi muốn nói rằng nếu như chúng ta nhìn Thiền luận bằng con mắt của triết học ngôn ngữ thì sẽ thấy sự tương đồng kinh ngạc giữa Thiền luận và triết học đương đại.
. 4. Biết giải thích “pháp thân thanh tịnh” là gì? Người hỏi này vẫn bị chấp vào khái niệm “thanh tịnh”, muốn làm rõ nghĩa nó, muốn xác định nó, muốn hướng đến nó. Tuệ Trung dùng cách nói ngược để dội một gáo nước lạnh vào cái ham muốn thanh tịnh của người kia, rằng thanh tịnh chính là “nước đái trâu”, là “phân ngựa”, là những thứ cực kì ô uế bẩn thỉu. Ông nói như vậy không có nghĩa tìm cách xác định nghĩa của “thanh tịnh” mà muốn chỉ ra rằng ko thể có sự thanh tịnh, không thể xác định khái niệm “thanh tịnh” vì nó chỉ có thể hiểu thông qua khái niệm “ô uế”. Từ đó chúng ta sẽ thóat ra khỏi những cản trở của ngôn ngữ trong việc tìm đạo, tức là : “pháp thân không ngăn ngại, nào sạch lại nào dơ”. ... 5. Copernicus cho rằng trái đất quay quanh mặt trời chứ không phải mặt trời quay quanh trái đất như Plotemy đã từng phán đoán. Euclid cho rằng qua một điểm nằm ngoài đường thẳng chỉ có thể kẻ một đường thẳng song song duy nhất với đường thẳng đã cho. Nhưng Lobachevsky thì cho rằng có vô số đường thẳng song song với đường thẳng đã cho qua điểm đó. Do vậy mà mặt cong trong không gian Euclid có thể trở thành mặt phẳng trong không gian Lobachevsky.
Newton đề ra khái niệm trọng lượng là vẫn nghĩ rằng quả táo bị trái đất hút. Còn Einstein thì chỉ coi trọng lượng là một đại lượng tương đối, một loại gia tốc của chuyển động, vì ông cho rằng: có thể trái đất bị quả táo hút, cái chính là ta lấy hệ qui chiếu chuyển động nào để xét. Và ông đã tạo ra tuyết tương đối.
Voltaire cho rằng loài người đã tạo ra chúa chứ không phải chúa đã tạo ra loài người. Và ông đã tạo ra thời đại khái sáng. Derrida cho rằng viết (write) mới là cái làm nên sự phát triển ngôn ngữ, mới là yếu tố chính tạo ra tư tưởng của con người chứ không phải là nói (speech). Và ông sáng tạo ra deconstruction…
Còn vô vàn những ví dụ về những phát kiến vĩ đại bắt đầu từ những ý tưởng trái ngược như vậy. Phương pháp nhìn nhận thế giới theo chiều ngược lại, theo những khái niệm đối nghịch này tôi gọi là pháp Ngược. Nguồn gốc lí luận siêu hình học của pháp này chính là ảnh hưởng của logos như Derrida đã phân tích trong học thuyết deconstruction. Hoặc cũng có thể nhìn từ kí hiệu học so sánh thì pháp Ngược chính là sự đảo nghĩa giữa hai khái niệm đối nghịch. Cũng như cách giảng đạo trên của Tuệ Trung Thương Sĩ, tôi muốn nói đến một phương pháp suy nghĩ từ những lí luận của kí hiệu học so sánh, là pháp Ngược. Thật ra thì không có gì là trái ngược cả, bởi xuôi hay ngược, thuận hay nghịch, chỉ là cách nhìn phiến diện bị ảnh hưởng bởi môi trường ngôn ngữ hiện tại. Thoát ra khỏi rào cản ngôn ngữ đó thì con người sẽ làm ra những cái mà lịch sử thường gọi là phát kiến. Còn trong Thiền luận khi vượt qua tất cả các suy nghĩ xuôi ngược đó sẽ gọi là ngộ. Bởi thế, phần lớn các công án thiền có sự liên hệ tới pháp Bất Nhị của Lục Tổ Huệ Năng, là một pháp lấy cái đối nghịch để phá chấp.
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử cũng viết : “ Đạo sáng thì dường như tối tăm, đạo tiến thì dường như thụt lùi, đạo bằng phẳng thì dường như khúc mắc, đức cao thì như thấp trũng…”
...
6. Trong các sánh luyện đan của Đạo gia chúng ta rất hay gặp câu nổi tiếng là : “thuận thì làm người, nghịch thì làm tiên”. Theo Đạo gia, con người bình thường sẽ chuyển từ khí tiên thiên sang khí hậu thiên, và rơi vào vòng sinh lão bệnh tử. Khi con người (thậm chí cả con vật như rắn) rèn luyện để chuyển nghịch từ khí hậu thiên trở lại khí tiên thiên, là cái khí sinh ra trời đất, là một trạng thái sinh ra con người từ trong bụng mẹ, thì có thể đắc đạo, có thể thoát khỏi xác phàm hư ảo để cưỡi mây đạp gió đi chơi khắp cõi. Như vậy, ngay cả khi tu mệnh thì chúng ta cũng phải bám lấy pháp ngược. ...
7. Trong bài " Ngôn ngữ nơi cõi chết", Một Danna cũng chỉ ra nỗi sợ chết của con người chính là ảnh hưởng của ngôn ngữ theo chiều sống-chết mà không phải chết-sống. Soi rọi ngôn ngữ theo chiều ngược lại ta sẽ thấy cái chết luôn luôn ở bên ta, là động lực để ta làm việc và sáng tạo. Vì thế ta không phải sợ chết, và cũng không thể có cái chết tuyệt đối vì ta đã chết ngay lúc này rồi.
... 8. Trong hành xử cuộc sống cũng vậy, pháp Ngược luôn có đất dụng võ, chúng ta hay nghe rằng “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, “muốn bắt thì phải thả”… Những cách cư xử của người Việt Nam ta nhiều khi lại trái ngược với tâm lí thông thường của các dân tộc khác như vậy đó. Và cái tưởng như ngược đó lại là thuận đối vơi người Việt. Vì thế mà nảy sinh những câu tục ngữ khuyên răn đề phòng kiểu như “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”…
Hay như chuyện một tài tử nổi tiếng thời Pháp thuộc ở Hà Nội đã có vợ nhưng đi hẹn hò với một cô gái trẻ đẹp khác. Người vợ của ông tài tử bắt gặp chồng mình tâm sự ôm ấp cô gái khác ở trong công viên vào một đêm đông nhưng bà ta lại không nổi ghen, ngược lại còn nhắc cô gái kia tại sao trời mùa đông này mà không lo giữ ấm cho ông tài tử. Bà lấy áo đưa cho chồng mặc rồi dặn chồng nhớ về nhà sớm kẻo cảm lạnh. Ông tài tử đó cạch đến già, không bao giờ bay bướm nữa vì cách xử lí ngược đời của bà vợ.
Pháp ngược, nhiều khi tuyệt vời thế đó!
(Nhân dịp đại lễ Phật Đản sắp diễn ra ở Việt Nam - 2008)
|