Thực ra ta là ai? Trả lời rốt ráo câu hỏi này thật không dễ. Cũng không phải để đến tận bây giờ, khi mái đầu lốm đốm sương ta mới cố đi tìm câu trả lời, mà nó đến với ta như theo chu kỳ, nhưng thường là những khi ta ở phía dưới, phía âm của đồ thị cuộc đời...Ta cảm nhận được là mình diễn tả như vậy chưa đạt vì nó nghe có vẻ chua chát quá, thực tế thì đây là nói đến đồ thị hình Sin, một chu kỳ có phần trên (dương) và phần dưới (âm) nối tiếp nhau đi qua trục hoành, thế thôi.
Vừa rồi, khi khai lý lịch cho con nhập học, ta đã dừng lại khá lâu ở mục "nghề nghiệp" của cha, rồi cuối cùng tạm để trống mục này. Bỏ qua lối khai lý lịch rất hình thức và phiền phức mà hầu như mọi người đều từng là nạn nhân, lần này ta ngờ ngợ hay là ..."lỗi" có thể là ở phía mình? [Tóm lược bản thân: Ta có 2 bằng Đại học, một bằng cao đẳng và vô số chứng chỉ về hầu hết những gì xã hội hiện đại có nhu cầu, hiện làm việc tại một doanh nghiệp (công ty cổ phần). Đây là một công ty thương mại XNK. Trong công ty ta cũng có chút "danh phận", là dưới mấy người và trên nhiều người.]
Ta sẽ khai mình là gì đây? "Doanh nhân" thì không phải rồi, trừ khi mình là ông chủ thì mới chấp nhận được, còn ta chỉ là người làm thuê. "Công chức" cũng không phải, vì mình là doanh nghiệp, là công ty cổ phần, đâu được vinh dự nằm trong nhóm công chức có số! "Cán bộ" như có một số người tự nhận thì buồn cười quá, làm quái gì có nghề "làm cha người khác" vô lý như thế! Hay là "Viên chức"? Không ổn, vậy "Nhân viên", cũng không phải, vì đó là chức vụ chứ không phải nghề nghiệp. Vì là công ty thương mại, hay là tự xưng là “Thương nhân”- khiếp! Nghe “cá thể” quá! Loanh quanh một hồi thử chọn “Ngoại thương”, nhưng hình như đây là tên ngành, chứ đâu phải là nghề. Nếu theo cái bằng đầu tiên của ta thì là “Giáo viên”, bậy quá, giáo viên vô công ty XNK làm chi vậy? Còn nếu theo công việc đầu tiên của ta khi vô công ty thì là “Phiên dịch”, nhưng thực ra ta chỉ làm công việc này có 1/10 thời gian ở công ty thôi mà.
Gọi mẹ nó là “chuyên viên” đi! Ừa, hình như ta sắp tiếp cận chân lý rồi đây. “Chuyên viên” – một từ mang khái niệm mơ hồ, chung chung, nghe tưởng là sâu, vậy mà nông choèn! Khi anh không là cái gì cả và cũng là một cái gì đó không xác định thì hẳn anh là chuyên viên. Không thể sai! Khi anh không lên không xuống được – cho nó cái chuyên viên! Khi anh giỏi giang nhưng cứng đầu, là mối nguy tiềm tàng cho sếp, nên bố trí sang chuyên viên để phát huy bộ não của cậu ấy, để lại ở phòng chức năng, luẩn quẩn với các công việc “dở hơi” thì phí cậu ấy đi!
Nếu bạn từng là sếp, nay không “là” nữa (ví dụ do sau khi cổ phần hóa, người ngoài đổ tiền vào mua công ty và lên làm sếp thay bạn), thì hầu như chắc chắn bạn sẽ là “chuyên viên”, mà lại là chuyên viên có thời hạn, để bạn có đủ thời gian tìm việc mới, đây là vấn đề của lợi ích, của lập trường!
Nghĩ đến đây, mình sảng khoái phóng bút ghi vô tờ lý lịch xin nhập học cho thằng con: “Chuyên viên”! Đủ hoành tráng mà vẫn cực kỳ chính xác. Chú nhóc nhà mình chỉ “am hiểu” về Giáo viên, Công nhân, Bộ đội, Bác sĩ,… Nay thấy cha mình là “chuyên viên”, chẳng hiểu là gì, nhưng cũng có vẻ khoái ra mặt – những biểu hiện ban đầu của một căn bệnh sẽ phát về sau – “Bệnh sĩ”. Rồi mày sẽ khổ, con ạ…
Bà xã liếc qua tờ đơn, cố giấu tiếng thở dài khi đập vào mắt từ “chuyên viên” tại mục nghề nghiệp của chồng. Là công chức nhà nước, bả rất rành ba cái vụ này: “Chàng lại xuống ruộng…”. Còn vị chuyên viên của gia đình thì cứ nhăn nhở như không có chuyện gì xảy ra. Mà chuyện gì có thể xảy ra nữa khi ta đã ở vào vị thế “tĩnh”…
(Cảm hứng từ nick của blogger TaLaWho?)