KIẾP RẠ RƠM
Rơm vàng - Ảnh sưu tầm từ Internet
Tạ Mỹ Dương
Cây lúa có hai cuộc đời, hai kiếp phận. Một, khi còn ở trên đồng; một, sau lúc “vượt cạn”, khi đi vào đời sống con người.
Ngày xưa chưa có giống cao sản, một năm hai vụ chiêm mùa. Chiêm tháng năm, mùa tháng mười. Mùa về xôn xao, đường làng gập ghềnh gạch đỏ, rơm vàng trải ngập lối đi, thơm lừng xóm ngõ.
Hạt thóc gieo xuống, nảy mầm mơn mởn mạ non, lội đồng còng lưng mẹ cấy.
Bão tháng bảy, mưa tháng ba, mồ hôi đổ xuống cánh đồng. Lúa vào thì con gái, xanh mướt, trổ bông đòng đòng, ra hạt, chín. Nghiêng một màu vàng bên sông.
Kĩu kịt đường quê, từng đoàn người gánh lúa về làng. Sân đình ngày hội, những bó lúa vung lên đập xuống. Thình thịch, thình thịch, những hạt thóc văng xa.
Thóc vào kho, vào bồ mỗi nhà. Chảy vào cối xay, cối giã. Lên nong nia sàng sảy. Thóc lại được gieo xuống đồng, hạt nảy mầm, nhú mạ non, tái sinh đời cây lúa.
Thân cây lúa chia hai phần, phần ngọn phía trên mang hạt. Những bó lúa gặt về, tuốt, đập xong vẫn còn sót hạt, lại bị “giày vò” thêm lần nữa, bó lúa bị giẫm, xéo, vặn, cho đến lúc chỉ còn lơ thơ vài hạt thóc, một mớ bùi nhùi, là rơm.
Phần thân dưới, phía gốc, khi gặt bị bỏ lại trên đồng, là rạ. Rơm vàng ươm, rạ sậm màu đất. Sợi rơm mềm, uốn éo. Cọng rạ cứng, thẳng đuỗn. Thời con gái của rơm là ngọn lúa phất phơ. Thuở tráng niên của rạ là cái gốc chịu đựng, làm thân cho cây lúa đứng vững. Cuống rạ liền với rễ, hút nước, hút “chất tinh” từ đất rồi bơm lên cho lúa trổ đòng.
Xong một đời trên cánh đồng, trả hạt, lại một đời trên cạn, một thân đôi phận, rạ - rơm.
Sợi rơm mềm thoang thoảng mùi thơm khô nồng, chân chất nhà quê. Rạ vẫn thoảng hôi mùi bùn. Rơm sạch sẽ, rạ còn dính bùn đi vào cõi người.
Rơm khác rạ, vì có hương và sắc. Vì sự mềm mại, và cái mỏng manh hình hài.
Rơm hay được ca tụng về mùi, ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì. Rơm làm ấm những mùa đông, nhà quê nghèo, trải rơm làm ổ. Bọn trẻ nằm cuộn tròn, đông một lũ lợn con. Có nhà khá giả xây “phản” bằng xi măng, lát đá hoa cho mát mùa hè, mùa đông lót thêm lớp rơm, đủ ấm.
Ảnh sưu tầm từ Internet
Sợi rơm mong manh thế mà có khi được dùng làm dây buộc. Nhè nhẹ thôi, như trang sức. Cọng rơm vàng quấn hờ quanh lớp áo lá sen gói cốm. Áo cánh nâu gánh vào trong phố. Là sự quấn quít giữa sắc và hương, thô và mịn.
Nhưng đâu phải lúc nào cũng thế, cũng được thế. Rơm còn là thức ăn cho trâu bò. Rơm được bện thành cái chổi lúa gánh ra thành phố, len lỏi vào từng nhà để đổi lấy thùng nước gạo mang về nuôi lợn. Cũng tần tảo, theo cái tần tảo ngược xuôi cùng người đàn bà quê ra phố.
Sợi rơm mong manh nhỏ bé, cọng rạ to và thô. Thì nó ra thân phận khác. Rơm luôn là bề nổi, rạ ẩn mình.
Cánh đồng sau vụ gặt, những gốc rạ nằm lại để một ngày kia bị những lưỡi cày cuốn phăng tan vào trong đất. Gánh rạ cắt về phơi khô đánh đống, đun bếp, lợp nhà.
Từ thân cây lúa đi ra, chia lìa riêng phận, rồi cùng lại vào với kiếp người. Có lúc rơm nhởn nhơ một mình, toả hương, mang sắc. Có lúc lại cùng rạ nhọc nhằn gánh vác, hoá thân. Ở vài phận việc, rơm rạ vẫn có đôi.
Rơm trộn với đất thành vách nhà. Cùng mái rạ, là cái nhà tranh vách đất. Cố chống chọi với gió mưa. Thổi cơm nồi đồng, cái nồi “thắt đáy lưng ong”. Đun rạ phải luôn tay luôn chân, lúc cơm sôi cạn nước, quấn một vòng rơm quanh nồi đốt lửa, cơm chín đều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Mở nồi cơm hương gạo mới, trên mặt lẫn một lóp tro, cũng chẳng sao.
Bên bếp lửa, người đàn bà chít khăn mỏ quạ, ánh lửa bập bùng in cái bóng bất động trên tường đi qua những mùa đông, gian bếp chật sặc khói. Lửa làm khô nứt gò má đã sạm nắng mưa. Làn khói mỏng len lỏi qua mái rạ, lờ lững lam chiều.
Gái đến thì, rút trộm rơm nhà đi trải ổ. Đường làng đêm trăng muộn, nghe thút thít bên đường tiếng khóc vẳng ra từ một đống rơm: “Anh lừa em, anh dối em, hức hức…” Đèn pin dọi vào, thằng trai đang đè nghiến con bé, bung hết làn cúc ngực. Nhưng thương nhất là buổi hôm nào, người đàn bà vợ bộ đội bị lôi ra từ một ổ góc vườn, rồi bị kéo đi xềnh xệch. Mái tóc dài xổ tung.
Mái tóc dài, lưng ong, dải yếm. Như buổi hôm nào, vô tình vương lên ngực chị, sợi rơm vàng như đánh thức tuổi dậy thì ở một đứa trai.
Làm đồng về, mồ hôi làm cái áo phin mỏng dính chặt vào người, quần đen xắn cao hết đùi. Ở nhà quê, con gái ra đồng giữ nước da bằng cách trùm “khăn vuông” che kín mặt. Chân quấn xà cạp. Chị đứng đó bên chum nước, cúi xuống gỡ từng vòng xà cạp. Những vòng trắng da thịt. Trời nực, khuôn mặt ửng đỏ. Vài lọn tóc bết mồ hôi dính vào bên má. Trên bộ ngực phập phồng hơi thở, còn vương lại một cọng rơm vàng.
Đứa trai chớm lớn ngẩn ngơ cắn bút ở một góc hè. Ơ hờ… nghĩ ngợi cánh đồng xa…
Lại một chiều chị cúi đầu cho em dội nước. Làn tóc dài xổ ra chảy theo dòng nước đượm mùi bồ kết. Dạo ấy em còn chưa biết đến diêu bông…
Giờ đã xa rồi, rơm vàng, lưng ong, dải yếm. Những cái tết của ngày xưa, cỗ bài tam cúc, kết tịnh hồng đưa chị đến quê em. Cái làng quê của cây lúa, những mái rạ lầm lũi một đời. Tiếng trống sân đình trẩy hội, í a…
Chợt bắt gặp một chiều mùng hai chưa hết tết, em gái áo thun quần bò lưng hở tênh hênh giữa đồng, nhìn kìa… chổng mông cấy lúa. Nhanh lên chiều rồi, còn kịp theo lũ giai làng lên phố huyện hát karaoke.
Nhưng vẫn còn, mỗi mùa, sau vụ gặt. Lúa cắt đi rồi, đồng chiều, cuống rạ. Những đống lửa xa lũ trẻ mục đồng. Khói bay lên trời, chiều thật vắng…
Ta lại hát, ơ hời… diêu bông…
GIẤC MƠ CÓ MÙI RƠM RẠ
Cây rơm nhà em - Ảnh sưu tầm từ Internet
Dương Thụ
Tôi vẫn mơ có được ba sào ruộng, một sào để trồng lúa nếp, hai sào còn lại trồng lúa tám thơm. Tôi mơ có một căn nhà ngang vách đất trộn rơm, mái lợp rạ nếp, bên ngoài có sân lát gạch lá nem để phơi thóc, bên trong đặt một chiếc cối xay lúa quay tay, một cối giã gạo bằng đá xanh cần cối nặng làm bằng gỗ nghiến, một hòm đựng thóc làm bằng gỗ mít cùng rất nhiều nong nia thúng mủng giần sàng. Để tôi mơ năm hai vụ lúa, được gặt lúa chở về nhà rồi đập lúa phơi thóc ngoài sân, được đánh cây rơm ngay sau chái bếp, được cùng người nhà xay lúa giã gạo, được ăn cơm thổi bằng gạo mới do chính tay mình làm ra nấu trong nồi đồng điếu vần rơm, đêm lạnh trải chiếu trên ổ rơm để được vùi đầu vào giấc ngủ đông thơm mùi rơm nếp... Mấy năm nay mỗi khi về Núi Đông, vào lúc đêm khuya thỉnh thoảng tôi vẫn lững thững đi bộ chui qua đường cao tốc sang khu công nghiệp liền kề với khu đô thị mới. Sang không phải để chiêm ngưỡng cái kỳ tích của công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá ở một vùng quê thuần nông mà là để “thương nhớ đồng quê” như cách nói của anh Nguyễn Huy Thiệp.
Lững thững trên những con lộ trải nhựa thẳng tắp vắng tanh vắng ngắt, tôi hình dung những gì đang nằm sâu dưới lớp nhựa đường, lớp sân nền nhà xưởng, văn phòng, dưới những dãy biệt thự mới xây xong phần thô bỏ hoang mấy năm nay vì không có người mua. Dưới đó là cánh đồng. Gốc rạ nằm dưới đó ư, hoa cỏ nằm dưới đó ư? Cùng với rơm rạ cỏ hoa là cào cào châu chấu, là họ hàng nhà chuồn chuồn nhà bướm, là cánh cam, niềng niễng, chèo đò. Còn cả ếch, nhái, chẫu chuộc, lươn, chạch, cua đồng, rắn nước… Tất cả đã yên nghỉ dưới đó vĩnh viễn. Cả một cuộc sống có tự hàng nghìn năm đã biến mất cùng với rơm rạ không để lại một dấu tích. Chỉ có lũ dế có khả năng sống cùng với bê tông, gạch đá là thoát chết. Chúng rỉ rả hát cho tôi nghe bài hát đêm buồn.
Vẫn biết buồn thế là sai. Nhưng tôi sinh ra ở nơi lúa mọc, có cả một ký ức sâu nặng thơm phức mùi rơm rạ, dù năm tháng sống cùng nó không nhiều. Thuở bé hồi còn học tiểu học, tuy đã theo gia đình về sống ở thành phố nhưng chẳng hè nào là tôi không về quê. Suốt ngày tha thẩn ngoài cánh đồng làng, lúc ngồi ở quán ngói chơi với lũ trẻ chăn trâu, lúc lang thang trên bờ ruộng, bờ mương, bờ máng; có khi mò mẫm lặn lội tới tận rốn đồng sống với lúa má, hoa cỏ, cây cối, chim chóc để đến bây giờ tôi vẫn còn có thể nhớ tên rất nhiều loại cỏ dại (cỏ năn, cỏ lác, cỏ may, cỏ gấu, cỏ gà, cỏ voi, cỏ dầy, cỏ gừng, cỏ mần trầu, cỏ mật), rất nhiều loài chim (sẻ đồng, sáo sậu, sáo đá, chào mào, bách thanh, chìa vôi, giẻ quạt, bói cá, chim chả, chèo bẻo, ác là, quạ khoang, diều hâu, cút đồng, nâm nấp, cò bợ, cò lửa, giang, sếu, vịt trời, cốc, bồ nông, uyên ương…).
Trước ngày giải phóng thủ đô, tháng 8.1954 tôi theo bố mẹ về quê, sống ở đó bốn năm trong thời kỳ cải cách ruộng đất và sửa sai. Bốn năm thật ngắn ngủi nhưng tôi được cải tạo để trở thành người nhà quê thật sự. Ăn đói mặc rách, người gầy gò vêu vao vẫn lội bùn ruộng kéo cày thay trâu, cuốc đất ruộng trồng màu, đi đào ao, đào mương, đào máng, đắp đê vác đất quần quật nhưng quan trọng là vẫn yêu nhà quê như thuở nào, và còn yêu hơn thế bởi gắn bó bây giờ mới là gắn bó máu thịt. Một tình yêu mơ hồ pha trộn sự thơ mộng với những khổ đau, cay đắng, với mồ hôi nước mắt, pha trộn giữa thái độ chấp nhận thực tại khi biết rằng cuộc sống là như thế chứ không thể khác và những giấc mơ nhiều khi chỉ là mơ tưởng của ngày ấy đã làm thành tôi bây giờ. Và chỉ đến bây giờ tôi mới ý thức được điều đó một cách rõ ràng.
Ngoài sáu mươi tuổi, mỗi lần ra Bắc, khi bước chân xuống sân bay Nội Bài, nhất là trong buổi chiều đông giá lạnh, tôi mới thấm thía hết cái cảm giác được trở về của một kẻ đã đi quá xa cái nơi chốn mình sinh ra, cái tuổi thơ quý giá của đời mình. Ngồi trên xe từ Nội Bài về Hà Nội, nhiều khi ký ức trỗi dậy, tôi giống như đi trong mơ. Về Hà Nội mà như về Vân Đình, cái nhà quê thuở nhỏ. Đi trên đường cao tốc phẳng lì mà bâng khuâng tỉnh lộ 22 xa thẳm lóc cóc ổ gà, lờ mờ hàng xà cừ cổ thụ hai bên đường, cánh đồng sương phủ, những lều quán xưa cũ dưới gốc đa, gốc gạo; ngã tư Vân Đình, con phố nhỏ có vỉa hè xây bằng gạch rộng ba bốn gang tay, chiếc cầu gạch có tuổi sáu thế kỷ gọi là Cầu Chỗ… Tôi vẫn biết nhớ nhung như thế với ai đó là chuyện lẩm cẩm, nhưng với tôi thật quan trọng. Nó giúp tôi nối ngày hôm nay với ngày hôm qua, nối hiện tại với quá khứ. Không có ký ức, không nhớ nhung nghĩa là không quá khứ. Đánh mất quá khứ thì làm gì có tương lai. Mà điều quan trọng hơn là cái ký ức luôn sống dậy trong tôi là nhà quê, một ký ức ngát thơm mùi rơm rạ. Đánh mất nhà quê liệu tôi có còn là một người Việt Nam?
Bởi thế tôi vẫn mơ mình có ba sào ruộng, một căn nhà ngang vách đất trộn rơm, mái lợp rạ nếp, mơ có cây rơm bên trái nhà, mơ đêm lạnh trải chiếu trên ổ rơm để được vùi đầu vào giấc ngủ đông thơm mùi rơm nếp… Điều có vẻ rất dễ thực ra lại là rất khó trong thời buổi này.
“Ồ, có tiền làm gì mà chẳng được. Giấc mơ của ông đáng giá vài trăm triệu thôi”
Này bạn, liệu giấc mơ của tôi có thể mua được bằng tiền không nhỉ?
Gặt lúa - Ảnh sưu tầm từ Internet
|