Nhà nông dùng gầu giai, gầu sòng để tát nước cho lúa, hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá.
Gầu giai - Ảnh sưu tầm từ Internet
Gầu giai được đang bằng tre, nứa và mây. Gầu có miệng loe, đáy bẹp và có 4 chiếc thừng nối vào miệng và đáy ở hai phía. Khi tát nước, hai người đứng bên. Mỗi người nắm một phía thừng, điều khiển chúng nhịp nhàng, lúc khom người thả dây chùng để miệng gầu vục xuống một phía múc nước, lúc choãi người ra sau, căng dây, nâng gầu lên, rồi hất dây ở đáy gầu để đổ nước sang phía kia.
 Tát nước đêm trăng - Ảnh sư tầm từ Internet
Ngày xưa, gầu đan xong được gác lên gác bếp bắt bồ hóng cho bền, cho khỏi mối mọt nên gầu thường có màu nâu sậm. Ngày nay, sau khi gác lên gác bếp, còn có thể dùng sơn phủ lên cho bền và đẹp hơn. Dây gầu có thể là dây thừng hay dây ni-lon. Do có hai đôi dây rất dài, gầu giai có thể vục nước ở nơi sâu để đổ lên các ruộng cao.
 Tát nước bằng gầu giai - Ảnh sưu tầm từ Internet
Nghe nói, xưa kia, làng nghề (cổ) Giai, hay còn gọi là làng Thanh Trai, thuộc xã Minh Lăng, huyện Vũ Thư Thái Bình, có nghề làm loại gầu này rất bến, rất nổi tiếng, nên người ta gọi gầu này là gầu Giai, hay giai. Lại có người bảo Giai có nguồn gốc từ chữ Hán là Giây - Gầu giây đọc trại đi.
Gầu sòng cũng được đang bằng tre hay nứa, và có dạng chiếc máng đựng nước. Máng này được gắn với một cán cầm bằng tre. Gầu và cán được một sợi dây thừng treo trên một cái đế 3 chân cũng bằng tre. Khi tát nước, chỉ cần 1 người điều khiển máng vục xuống múc nước ở một phía, rồi chao lên đổ nước sang phía bên kia. Gầu sòng không thể đổ nước lên cao như gầu giai.
Ca dao có câu:
Ruộng thấp tát một gầu giai
Ruộng cao thì phải tát hai gầu sòng
Tát nước bằng gầu sòng - Ảnh sưu tầm từ Internet
Tìm trên mạng thấy bảo chữ Sòng đến từ chữ Hán Sao (bộ Thủ), nghĩa là lấy thìa mà múc (Đào Duy Anh, Thiền Chửu) . Tát nước bằng gầu sòng chắc là giống việc cầm thìa múc thức ăn.
Lại thấy, có một giai thoại về gầu sòng: "Ngày xưa, nước ta có tục tảo hôn (lấy vợ sớm). Một vài thằng cu con nhà giàu, chờ- im còn bé như " quả ớt chỉ thiên " mà đã được cha mẹ lấy cho một cô vợ lớn tuổi. Bề ngoài mang tiếng là vợ nhưng thật ra chỉ là con ở không công. Vừa trông em vừa làm tất cả việc nhà. Dân gian đặt bài vè chế giễu:
Cái bống cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng
Chú lái ơi ! Cho tôi mượn cỗ gầu sòng
Để tôi tát nước, múc chồng tôi lên
Chị vợ cõng anh chồng đi chơi, để chồng ngã vào vũng nước. Thằng bé bé quá, đến nỗi cô gái không nắm kéo hay vớt bằng tay được. Cô phải mượn gầu để múc nó lên. Chẳng khác gì con ruồi sa vào chén nước mắm, phải dùng thìa múc lên. Để tôi tát nước, múc chồng tôi lên. Chữ múc vừa dí dỏm, ngộ nghĩnh vừa tả đúng điệu bộ của người tát nước bằng gầu sòng." Thật là hay và ý vị.
|