Ngộ ghê, "Du lịch Thiền" là gì và ai làm "Du lịch Thiền" ta?
Xin thưa, cái gã đầu trò làm "Du lịch Thiền" là cái gã đang dang chân, dang tay, ngửa mặt trên bãi cỏ ngắm trời.
Khi bắt đầu làm "Du lịch Thiền", có người bảo, du lịch thì không thể thiền, thiền thì không thể du lịch ... Nghe kể cũng có lý, vì thiền dường như là nhắm mắt, tĩnh tâm, ngồi thở sâu trong tư thế hoa sen như những yogist, như những Phật tử vẫn làm chứ đâu chạy từ đây qua kia, ngó ngó, nghiêng nghiêng. Có người lại tưởng đi "Du lịch Thiền" là phải ăn chay ...
Nói về thiền, có thể thấy cách thiền như trên không phải là cách thiền duy nhất. Trong Đạo Phật, Đức Phật dạy rằng có nhiều cách thiền khác nhau. Có thể là thiền tĩnh, có thể là thiền động, Thiền tĩnh là cách thiền nói trên, còn thiền động là thiền bất kỳ ở đâu, thiền bất cứ lúc nào, thiền khi làm bất cứ việc gì. Có thể thiền khi rửa bát, thiền khi quét nhà, thiền khi cuốc đất ...
Như thế, thiền là việc tập trung tối đa tâm trí vào việc đang làm, là tận hưởng niềm vui do công việc đó mang lại: khi đi tâm trí ta biết ta đang đi, đầu ta ngẩng cao, lưng ta thẳng, ta cảm thấy từng bước, từng động tác của cơ thể thật uyển chuyển, nhẹ nhàng, thanh thoát; khi rửa bát, tâm trí ta cũng tập trung hết mực vào việc rửa bát, và tận hưởng niềm vui của công việc rửa bát, đừng để đầu óc lan man, sao nhãng sang việc khác (vừa rửa vừa nghĩ sao cho nhanh để đi xem phim, xem hát, hoặc vừa rửa mà lòng đầy tỵ nạnh, nghĩ sao mình phải làm, mà người khác thì không...).
Còn Osho, nhà huyền môn Ấn Độ cho rằng, thiền là tập trung tâm trí, sức lực làm mọi việc đúng với chu kỳ sinh học mà tạo hoá đã quy định cho con người. Osho chia đời người ra 10 giai đoạn. mỗi giai đoạn dài 7 năm với các đặc trưng phát triển và yêu cầu khác nhau về sinh học. Theo Osho, lúc đáng ăn phải ăn, lúc đáng nghỉ phải nghỉ, lúc đáng yêu phải yêu ... Việc kìm hãm, thúc đẩy thái quá sự phát triển các như cầu tự nhiên theo từng giai đoạn sinh học làm cuộc sống con người trở nên lộn xộn, bất an. Các cụ xưa chẳng đã đúc kết rằng "Dục tốc bất đạt", hoặc "trăng đến rằm trăng tròn" đó sao? Người Nhật ngày nay cũng có câu "Just in Time" kiểu như "Dưa chín có giờ" ý.
Vậy "Du lịch Thiền" không có gì khác hơn là tận hưởng từng phút từng giây của chuyến đi du lịch với đúng nghĩa của nó. Đã du lịch thì đừng mang theo dọc đường nhịp sinh hoạt và nỗi lo toan hàng ngày của cuộc sống nơi thành phố; đừng lẫn lộn làm việc với nghỉ ngơi; đừng bận tâm tới những gì đã xảy ra trong quá khứ; cũng đừng lo lắng cho tương lai. Hãy tận hưởng những gì có trong hiện tại. Nếu được như thế, đối với những người sống ở thành phố trong không gian chật hẹp và ô nhiễm trầm trọng, "Du lịch Thiền" là cơ hội đưa họ trở lại với thiên nhiên khoáng đạt, trở lại với bản thể.
"Du lịch Thiền" là đi bộ nhiều hơn và thở sâu hơn; là thư giãn và sống chậm để điều chỉnh nhịp tim, nhịp thở. Và "Du lịch Thiền" không phải là du lịch ăn chay, mà chỉ là bớt ăn thịt cá, bớt uống đồ uống có cồn để giảm tải cho bộ máy tiêu hoá. Vận động nhiều mà ăn uống thanh tịnh, chắc chắc cơ thể sẽ khoẻ ra.
"Du lịch Thiền" là trèo đèo, lội suối; là lang thang hàng giờ tại những con phố cổ, hay ở nơi đồng quê hoang sơ; là có thể ăn nghỉ tại những nơi không đầy đủ tiện nghi, bù lại được hít thở khí trời, chứ không phải bó mình trong những khách sạn, nhà nghỉ với ti vi, máy lạnh ... rất ngột ngạt.
"Du lịch Thiền" là đi chân trần dọc trên khắp các nẻo đường thôn quê để cho đôi chân và cơ thể cảm nhận được hơi ấm đất mẹ. Khi đôi chân được giải phóng khỏi giầy, dép tù túng, được tiếp xúc với mặt đất mát lành. là lúc cơ thể như được hồi sinh nhờ âm dương cân bằng.
"Du lịch Thiền" tới miền biển là tận hưởng làn nước và làn không khí trong lành của biển cả; là cảm nhận bãi cát mềm lúc ấm, lúc lạnh dưới chân; là có được những giây phút trần mình trước sóng biển và gió trời; là những buổi lang thang tới vạn chài thơm mùi cá, mùi chượp ...; là trèo lên các ghềnh đá đế đón nắng, đón sóng lúc ban mai hoặc khi hoàng hôn xuống, chứ không phải sau tắm biển là ngủ vùi nơi căn phòng ngột ngạt, hoặc tụ tập nhậu nhoẹt tới no căng như khi ở nhà, cũng không phải là cờ bạc sát phạt thâu đêm suốt sáng.
"Du lịch Thiền" là những khoảnh khắc ngồi lặng trên vệ cỏ nơi sườn đồi, sườn dốc ngắm cây ngắm cỏ, ngắm sao, nhìn trăng và hít thở không khí trong lành, chứ không phải là rủ nhau từng đoàn, từng tốp đi ăn, đi "zô ...ô", đi "trăm phần trăm" và giải trí trong các quán đèn mờ.
"Du lịch Thiền" là tìm hiểu các nét đẹp, khác lạ về văn hoá, lịch sử; là tìm hiểu đình, đền, chùa, danh lam thắng cảnh; tìm hiểu phong tục tập quán, nét văn hoá độc đáo của một vùng đất lạ, chứ không phải là đi để mua sắm, để thưởng thức đồ ăn thức uống.
Du lịch Thiền và Du lịch có gì khác nhau?
Tuỳ thuộc vào mức sống, dân trí, văn hoá, phong tục, tập quán... cách đi du lịch, làm du lịch của các nhóm nguời khác nhau là khác nhau. Người Nhật đi đâu cũng chụp ảnh, quay phim. Người Châu Âu, Châu Mỹ ... đến Việt Nam là để tìm hiểu các nét văn hoá dân gian khác lạ, như Sa pa, Hạ Long, Hương tích, Hội An, đình đền, chùa ... (chính vì thế Đà Lạt không phải là nơi họ thích) ... Còn người Việt ta hiện nay, đi du lịch có vẻ là để mua sắm, để ăn và ngủ vùi. Đi du lịch ở đâu về, trong hay ngoài nước, người nào người nấy cũng túi to túi bé mà lại chẳng biết mấy về những nét văn hoá đặc sắc của cái vùng đã đến.
Nhớ có lần sang Pháp cùng với một vài người bạn Nga. Khi quân nhà mình lùng mua quần bò, áo da, túi da, lùng mua đồ lưu niệm rẻ tiền về phân phát, thì mấy anh bạn người Nga lùng mua băng video của các vở opera nổi tiếng (đắt lắm đấy). Cũng là người sao mà tầm "văn hoá" của mình lùn thế!
Dạo qua những trang mạng viết về du lịch Việt Nam, mới thấy chúng đơn điệu với thông tin chủ yếu về tên các tour, giá tiền, nơi ăn, chỗ ở, thời gian đi về, tên các món đặc sản, tiện nghi khách sạn ..., còn thông tin về văn hoá, lịch sử của địa điểm liên quan thì quá sơ sài, không chỉ sơ sài trên mạng mà còn sơ sài đến thảm hại tại những nơi đến thăm.
Hướng dẫn tiếng Việt còn thiếu, tiếng Anh lại càng thiếu hơn. Du khách nước ngoài, chắc nhiều người không hiểu sao cái này, cái kia lại xuất hiện lù lù ở đó. Một mái đình cong, một con rồng đá nằm chầu trước cửa đền, một bức tượng của một vị vua nào đó ... phải có căn nguyên, phải có cội nguồn chứ đâu phải tự nhiên xuất hiện nơi đây không lời minh hoạ. Nên hiểu rằng, một cánh cửa, một cái cây, một mái nhà ở nơi du lịch ... không phải là vật vô tri vô giác, chúng gíống những cá nhân khác nhau trong một tổ chức, chúng có hồn, có lịch sử tồn tại và phát triển. Chúng cần được quảng bá một cách chuyên nghiệp để du khách ngày càng hiểu và yêu đất nước này hơn.
Có vẻ như, du lịch ở ta đã dần không còn là du lịch nữa. Du lịch chỉ là mua sắm và ăn uống mà thôi.
Thế nên với " Du lịch Thiền", Pi C&E muốn cùng bạn bè góp phần làm du lịch dần trở về đúng nghĩa của nó. Cứ cuối tuần, Đại Tao lại cùng một tốp bạn đi đâu đó tới một miền đất mới. Đi để tận hưởng, để tìm hiểu và viết ...
Hy vọng đến một lúc nào đó các bài viết trong chuyên mục này sẽ được chuyển sang tiếng Anh, góp phần quảng bá hiệu quả hơn cho Du lịch của Việt Nam.
Ai muốn tham " Du lịch Thiền" cũng như tham gia viết bài cho chuyên mục " Du lịch Thiền" xin liên hệ:
Pi C&E: pi.company@gmail.com |