Cũng giống như một người xây nhà, ngay từ trước khi xây dựng, anh đã phải nghĩ đến chuyện làm thế nào để nó không bị cháy. Chúng ta không thể ngồi đợi nhà cháy rồi mang nước đến dập lửa. Môi trường Việt Nam đã đạt ngưỡng tới hạn.
Bà Nguyễn Ngọc Lý, trưởng phòng Phát triển bền vững của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP chia sẻ góc nhìn về vấn đề môi trường Việt Nam hiện nay.
Môi trường Việt Nam đạt "ngưỡng tới hạn"
- Vấn đề ô nhiễm môi trường của Việt Nam đã "nóng" đến mức nào khi mà vài năm trở lại đây, nhiều làng ung thư xuất hiện, tình trạng ô nhiễm nước, khói bụi... ở các thành phố lớn đã đến mức báo động?
Xếp hạng thứ 5 khu vực châu Á - Thái Bình về mức độ ô nhiễm khói bụi ở thành phố đông dân, nồng độ khí thải tăng cao và nhanh, hiện tượng nhiều dòng sông cục bộ chết, việc xuất hiện các làng ung thư... là những điểm nóng, cung cấp những bức tranh nhỏ lẻ, khiến người dân bức xúc về thực trạng môi trường Việt Nam hiện nay.
Từ những bức tranh nhỏ lẻ đó, có thể thấy rõ, môi trường Việt Nam đã đến mức báo động, đạt "ngưỡng tới hạn". Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của tảng băng môi trường. Nếu không có thảo luận, đề ra giải pháp, vấn đề sẽ trở nên rất khó khăn.
Môi trường trên diện tích hơn 300 nghìn km2 của Việt Nam như con thuyền có mức tải nhất định, nếu quá tải, con thuyền sẽ chìm. Hệ thống sinh thái đang phải tải một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, với sự phát triển dân sinh nhanh. Một lúc nào đó, con thuyền sẽ quá tải. Đến lúc đó, khả năng cứu vãn khó khăn hơn rất nhiều. |
- Nguyên nhân chính của tình trạng này là gì?
Những nền kinh tế tăng trưởng cao trong thời gian ngắn đều bộc lộ những bức xúc về mặt môi trường. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, với ngưỡng GDP thấp, khi tăng trưởng gấp 2 lần, một số ô nhiễm do các ngành công nghiệp thải ra tăng gấp 3 lần.
Ở Việt Nam, vấn đề môi trường đã tồn tại từ rất lâu, và gặm nhấm từng bước. Tuy nhiên, 30 năm trước, vấn đề môi trường không đặt ra nhờ khả năng hấp thụ tự nhiên của môi trường.
Có thể hình dung sự phát triển kinh tế, xã hội, dân sinh là một hộp đen trong diện tích tự nhiên hơn 300 nghìn km2. Môi trường cung cấp đầu vào của nền kinh tế và cũng chính môi trường nhận chất thải ra. Hộp đen kinh tế, xã hội Việt Nam ngày càng phình to ( trong 10 năm kinh tế phình ra gấp 2 lần, và trong 50 năm dân số phình ra gấp 3 lần). Trên một diện tích bất biến, thậm chí, có nguy cơ thu hẹp do mực nước biển dâng cao, hộp đen ngày càng lớn, quy trình tự nhiên hấp thụ chất thải ngày càng thu hẹp. Điều này khiến cho thực trạng môi trường Việt Nam trở nên nóng tới mức báo động, đạt ngưỡng.
Hai yếu tố phát triển kinh tế và dân số khiến hệ thống sinh thái hỗ trợ cho nền kinh tế không vững vàng như trước. Môi trường cũng như một con thuyền có mức tải nhất định, nếu quá tải, con thuyền sẽ chìm.
Chúng ta có thể hình dung trên diện tích của Việt Nam trong hơn 300 nghìn km2, con thuyền đó là hệ thống sinh thái, và hệ thống phải tải một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, sự phát triển dân sinh nhanh. Đến một lúc nào đó, con thuyền sẽ quá tải. Khả năng cứu vãn khó khăn hơn rất nhiều.
Môi trường chưa được cân nhắc ở mức, tầm cần có
Việt Nam chưa cân nhắc vấn đề môi trường ở mức, tầm cần có. Nếu không có hệ sinh thái hỗ trợ, bản thân nền kinh tế dù giàu có đến đâu cũng sụp đổ. |
- Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng môi trường, như bà đề cập là sự tăng trưởng quá nhanh của nền kinh tế. Phải chăng Việt Nam đang đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế?
Cần hết sức cân nhắc để đưa nhận định có sự đánh đổi hay không. Trên thực tế, không ai muốn đánh đổi tăng trưởng kinh tế hay bất kỳ điều gì để cho một điều khác.
Xuất phát từ một nước nghèo, trải qua chiến tranh, bị lùi sau các nước rất nhiều, nhu cầu vượt lên thành nước có thu nhập, tăng trưởng kinh tế cao là hoàn toàn lí giải được. Mong muốn có một nền kinh tế tăng trưởng cao là đúng và hợp pháp.
Điều đáng buồn là chúng ta chưa cân nhắc vấn đề môi trường ở mức, tầm cần có. Việt Nam cần xem môi trường là yếu tố quan trọng của sự phát triển kinh tế. Nếu không có hệ sinh thái hỗ trợ, bản thân nền kinh tế dù giàu có đến đâu cũng sụp đổ.
Việt Nam không thể tách bạch kinh tế, môi trường và phát triển xã hội. Ba vấn đề đều phải đưa lên bàn cân, và phải chọn giải pháp hữu hiệu, mang tính lâu dài, vừa có lợi cho kinh tế, vừa có lợi cho môi trường, có lợi cho xã hội dân sinh. Những vấn đề đó phải đặt ra một cách khoa học, chu đáo, kĩ lưỡng, cẩn thận.
- Hiện nay, hành xử của Việt Nam đối với môi trường như thế nào?
Nói đến môi trường, ai cũng bức xúc, từ lãnh đạo cao cấp đến người dân thường, bởi mỗi người đều phải chịu đựng hằng ngày. Nhận thức chính trị dễ tạo ra sự thống nhất. Tuy nhiên, từ đồng nhất này dẫn tới một nhận thức cao hơn, tạo tiền đề cho hành động là câu chuyện khác. Việt Nam còn lâu mới đạt mức đó.
Việt Nam chỉ nhìn ô nhiễm môi trường ở mức hữu cơ: ô nhiễm đất, nước, không khí... Chúng ta cần xem môi trường là một hệ thống sinh thái tương tác giữa môi trường, kinh tế và con người. Người ta phải giải quyết hệ thống tương tác đó.
Giải quyết vấn đề môi trường không thể như chữa cháy, cần phải tính trước làm sao để không cháy. Chúng ta không thể ngồi đợi nhà cháy rồi mới mang nước ra dập lửa. |
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ đưa ra một số liệu pháp chữa cháy mỗi khi có điểm nóng bùng lên. Trong khi đó, bản thân vấn đề môi trường không thể giải quyết bằng cách chữa cháy. Việc này đòi những giải pháp mang tính lâu dài, có độ chính xác kỹ thuật, sự cân nhắc kỹ lưỡng chính sách kinh tế tài chính và điều vô cùng quan trọng là một bộ luật nghiêm khắc, kỹ lưỡng, thấu đáo làm sao tất cả mọi người, mọi ngành có thể thực hiện được. Cũng giống như một người xây nhà, ngay từ trước khi xây dựng, anh đã phải nghĩ đến chuyện làm thế nào để nó không bị cháy. Chúng ta không thể ngồi đợi nhà cháy rồi mang nước đến dập lửa.
Điều này cũng đặt ra vấn đề thay đổi cách nghĩ của người làm công tác môi trường, hiện phần lớn là các kỹ sư môi trường. Bản thân họ chính là người xử lý sự cố cháy nhà. Môi trường lại là sự tương tác của môi trường, kinh tế, xã hội, do đó, người kỹ sư chỉ giải quyết được một phần.
Việt Nam rất cần một đội ngũ cán bộ hiểu rõ sự tương tác đó, hiểu biết cả về kinh tế, xã hội, chế tài, luật pháp và quy trình tạo chất thải, từ đó, giải quyết được vấn đề về mặt chính sách. Chúng ta vẫn chưa có đột biến mạnh trong chất lượng quản lý môi trường.
Việt Nam cần biết mình muốn gì, muốn đến đâu
- Môi trường cần một giải pháp lâu dài nhưng đó là vấn đề bức xúc hằng ngày, đòi phải giải quyết ngay. Làm thế nào Việt Nam có thể dung hòa được hai mặt này?
Chừng nào Việt Nam đặt ra được mục tiêu cụ thể, xác định được chúng ta muốn gì, muốn đến đâu, thống nhất nguyên tắc thì các giải pháp tiếp theo sẽ đến tự nhiên.
Việc làm luật quá chậm là vô cùng dở nhưng ra luật quá nhanh để không thực hiện thì còn tồi tệ hơn. |
Có hai cách tiếp cận với vấn đề môi trường: chính sách ngắn hạn và dài hạn. Giải pháp ngắn hạn là những việc có thể làm được ngay, không tốn tiền. Ví dụ, chỉ cần thay đổi hành vi vứt rác bừa bãi của người dân đã có thể mang lại hiệu quả cao. Một người vứt rác ngoài đường gây chi phí kinh tế cao, kéo theo đó sẽ là người nhặt rác, đổ rác, tiêu tốn công quỹ. Chúng ta có thể xem xét lại các dự án, cân nhắc khía cạnh môi trường. Nhờ đó, giảm tốn kém cho bản thân dự án và hiệu quả môi trường lâu dài, thông qua tiết kiệm nguồn đầu vào, quản lý nguồn thải ra.
Hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy cũng cần được tính đến. Các nhà máy từ sản xuất nhỏ đến sản xuất lớn đều là mô hình đóng, hệ thống quản lý môi trường kỹ lưỡng, theo tiêu chuẩn ISO 14000. Việc kiểm tra phải được tiến hành từng ngày, từng quy trình sản xuất. Áp dụng việc này hầu như không tốn tiền nhưng có thể giảm thiểu 30-40% những bức xúc hiện nay.
Về dài hạn, cần một bộ luật nghiêm khắc, có sự cưỡng ép thực hiện luật đó một cách thấu đáo. Mũ bảo hiểm bài học tốt nhất về thực hiện luật của Việt Nam trong nhiều năm qua. Khi có quy trình làm đơn giản, dễ hiểu, để mọi người dân tham gia, suy nghĩ, có thời gian chuẩn bị, có mức hình phạt qui định cao và ai cũng biết, có mốc giám sát, đánh giá... huy động tất cả lực lượng tham gia. Qua bài học về mũ bảo hiểm, chúng ta có thể lạc quan hơn về thực hiện luật của Việt Nam.
Thay đổi một hệ thống luật không dễ, đòi hỏi nền tảng khoa học, chuyên môn sâu sắc, hiểu biết thấu đáo quá trình, quy luật hệ sinh thái, sản xuất.
Chúng ta cũng cần xem xét chính sách quy hoạch tổng thể. Việc bảo vệ môi trường thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào quy hoạch tổng thể. Chính sách dài hạn khác như tài chế cho bảo vệ môi trường. Môi trường như một tài sản công, mở, không sản xuất những thứ có thể đo đếm được. Tài chế như thế nào để ai cũng bảo vệ tài sản công ấy? Đó là những chính sách cần nghiên cứu lâu dài, cẩn thận và khổ công.
Xem xét lại Luật là ưu tiên
- Giải pháp nào cho Việt Nam trong ứng phó với vấn đề môi trường "đã tới ngưỡng giới hạn" hiện nay?
Chắc chắn trong giải quyết vấn đề môi trường, chúng ta sẽ không có một câu trả lời đơn giản, ngắn và giải quyết được. Nếu có ưu tiên về kiến nghị, tôi cho rằng chúng ta phải nhìn môi trường với tính chất lâu dài.
Việc đầu tiên tưởng rất khó, rất lâu chính là xem xét lại luật. Vấn đề đó tưởng chừng rất khó khăn, xa xôi nhưng thà bỏ hẳn một số năm vẫn là cách nhanh nhất để có bộ luật thực hiện tốt.
Báo chí giúp thay đổi căn bản trong cách nghĩ, thống nhất căn bản trong cách tiếp cận, tạo nhất trí cao về nguyên tắc làm việc. |
Việc làm luật quá chậm là vô cùng dở nhưng ra luật quá nhanh để không thực hiện thì còn tồi tệ hơn. Có lẽ đến một lúc nào đấy, chúng ta cần xem xét rất kỹ bộ luật hiện nay, tìm hiểu kỹ kinh nghiệm của các nước có điều kiện tương tự.
Đồng thời, những biện pháp ngắn hạn cần được làm hằng ngày. Báo chí là công cụ tốt để đăng tải vấn đề này tới cả cộng đồng, có tác động thay đổi căn bản trong cách nghĩ, thống nhất căn bản trong cách tiếp cận, tạo nhất trí cao về nguyên tắc làm việc.
- Trong giải quyết vấn đề môi trường, Việt Nam có thể nghiên cứu, học kinh nghiệm từ nước nào? Tôi chỉ lấy hai so sánh nhãn tiền nhất là Nhật Bản, Singapore, hai nước nổi tiếng đất chật, nghèo tài nguyên. Singapore ngay từ ngày lập nước những năm 1950 đã phải mua nước sinh hoạt từ nước ngoài. Nhật Bản động đất liên miên. Đồng thời hai nước này cũng nổi tiếng về bảo vệ môi trường, quan hệ tổng thể, được công nhận trên thế giới. Hai nước đều có điểm chung là có một bộ luật kĩ lưỡng, khắc nghiệt, có chuyên môn cao, có thể thực thi được bởi tất cả mọi người. Bộ luật rất dễ thực hiện không cần quá nhiều người hướng dẫn thực hiện luật.
Luật môi trường của họ không những được biết đến và thực thi có hiệu quả trong nước mà nhiều nước khác cũng biết để học tập. Nên chăng Việt Nam cân nhắc cách làm luật, tổ chức thực hiện luật của các nước này. Dù không áp dụng được tất cả, nhưng chí ít, chúng ta có học họ phương pháp làm, cách tiếp cận, lộ trình làm và tính chuyên môn đặc biệt cao, khoa học và những kinh nghiệm với môi trường như một hệ tương tác.
- Xin cảm ơn bà!
|