Thái Thanh Hà - Nguyễn Khánh Liên
Lớp: K51 Công Nghệ Môi Trường
Đại học Khoa học Tự Nhiên - Đại học Quốc Gia Hà Nội
I. KHOÁNG SẢN
1. Khái niệm về khoáng sản và phân loại
1.1 Khái niệm về khoáng sản:
Luật khoáng sản 20.3.1996 định nghĩa:
Khoáng sản là tài nguyên trong lòng đất, trên mặt đất dưới dạng những tích tụ tự nhiên khoáng vật, khoáng chất có ích ở thể rắn, thể lỏng, thể khí, hiện tại hoặc sau này có thể được khai thác. Khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ mà sau này có thể được khai thác lại, cũng là khoáng sản.
Khoáng sản là tài nguyên hầu hết không tái tạo được, là tài sản quan trọng của quốc gia, phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Khoáng sản có thể tồn tại ở trạng thái rắn (quặng, đá), lỏng (dầu, nước khoáng,…), hoặc khí (khí đốt).
Khoáng sản cũng có thể hiểu là nguồn nguyên liệu tự nhiên có nguồn gốc vô cơ hoặc hữu cơ, tuyệt đại bộ phận nằm trong lòng đất và quá trình hình thành có liên quan mật thiết đến quá trình lịch sử phát triển của vỏ trái đất trong thời gian dài từ hàng ngàn năm đến hàng chục, hàng trăm triệu năm.
1.2 Phân loại khoáng sản:
Theo chức năng sử dụng, khoáng sản được phân ra làm 3 nhóm lớn:
Khoáng sản kim loại: Nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt (sắt, mangan, crom, vanadi, niken, molipden, vonfram, coban); Nhóm kim loại cơ bản (thiếc, đồng, chì, kẽm, antimoan); Nhóm kim loại nhẹ (nhôm, titan, berylly); Nhóm kim loại quý hiếm (vàng, bạc, bạch kim); Nhóm kim loại phóng xạ (uran,thori)và nhóm kim loại hiếm và đất hiếm;
Khoáng sản phi kim loại :Nhóm khoáng sản hoá chất và phân bón: apatit, photphorit, barit, fluorit, muối mỏ, thạch cao, S (pirit, prontin,…), spectin; Nhóm nguyên liệu sứ gốm,thuỷ tinh chịu lửa, bảo ôn: sét – kaolin, magnezit, fenspat, diatomit… Nhóm nguyên liệu kỹ thuật: kim cương, grafit, thạch anh, mica, tan, atbet, zeolit. Vật liệu xây dựng: đá macma và biến chất, đá vôi, đá hoa, cát sỏi;
Khoáng sản cháy: than (than đá, than nâu, than bùn) dầu khí (dầu mỏ, khí đốt, đá dầu).
2. Các loại khoáng sản chính ở Việt Nam Một số loại khoáng sản chính của Việt Nam:
• Quặng sắt: trữ lượng gần 1800 triệu tấn, phân bố rải rác từ Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ. Mỏ sắt lớn nhất ở Việt Nam là mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh), trữ lượng ước tính trên 500 triệu tấn;
• Quặng đồng: trữ lượng trên 1 triệu tấn. Các mỏ lớn ở Việt Nam là mỏ đồng Sinh Quyền (Lào Cai) và mỏ Tạ Khoa (Sơn La);
• Quặng nhôm (Quặng bauxit): chủ yếu ở Tây Nguyên, ước tính trữ lượng tới 4 tỷ tấn. Ngoài ra còn có ở Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ;
• Quặng thiếc: Trữ lượng tới 70 nghìn tấn, các mỏ lớn ở Cao Bằng, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Hà Tĩnh;
• Quặng crôm: Trữ lượng 10 triệu tấn, lớn nhất là mỏ crôm Cổ Định (Thanh Hoá);
• Quặng titan: Phân bố chủ yếu ở ven biển miền Trung Việt Nam;
• Các quặng kim loại khác như: vàng, chì, kẽm, mangan, niken, đất hiếm, phân bố rải rác nhiều nơi như: mỏ chì kẽm Chợ Đồn, chợ Điền Việt Bắc; mỏ mangan Cao Bằng; mỏ niken ở Sơn La; mỏ vàng ở Bồng Miêu (Quảng Nam); mỏ vàng ở Bắc Lạng (Bắc Cạn) và các mỏ có trữ lượng hàng chục đến hàng trăm tấn ở Trung Bộ;
• Quặng apatit (làm phân bón): trữ lượng trên 1 tỷ tấn, mỏ lớn nhất là mỏ ở Cau Đường (Lào Cai), mỏ Quỳ Châu (nghệ An);
• Đá vôi: Trữ lượng rất lớn, các dãy núi đá vôi phân bố nhiều ở Bắc, Trung Bộ và Kiên Giang. Trữ lượng được đánh giá trên 10 tỷ tấn;
• Đá quý: mỏ rubi ở Quỳ Hợp (Nghệ An) và mỏ rubi, saphia Lục Yên (Yên Bái);
• Dầu mỏ, khí đốt: Trữ lượng dầu mỏ được thăm dò tới hàng trăm triệu tấn, chủ yếu ở phần thềm lục địa phía Nam Việt Nam như các mỏ Bạch Hổ, Đại Hùng, Rồng, Nam Côn Sơn, bể Cửu Long … Ngoài ra còn có nhiều mỏ khí đốt ở đồng bằng Bắc Bộ;
• Than đá: Trữ lượng 3,5 tỷ tấn tập trung ở vùng Quảng Ninh;
• Than nâu: Trữ lượng hàng trăm tỷ tấn tập trung nhiều ở vùng đồng bằng Bắc Bộ;
• Nước ngầm dưới đất: Trữ lượng 130 triệu mét khối nước/ngày
3. Nguồn lợi từ khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản
Giá trị sản xuất công nghiệp khoáng sản:
STT | Ngành sản xuất | 1995 | 1996 | 1997 | 1998 | 1 | Khai thác than | 1677,2 | 1929,8 | 2229,1 | 2209,8 | 2 | Khai thác dầu khí | 10844,6 | 12466,9 | 14238,6 | 17641,6 | 3 | Quặng kim loại | 236,1 | 282,5 | 172,3 | 110,7 | 4 | Đá và các mỏ khác | 1161,8 | 1288,4 | 1673,7 | 1696,4 | 5 | Than cốc, dầu mỏ | 343,2 | 208,7 | 83,5 | 86,0 | 6 | Sản phẩm khoáng sản phi kim loại | 9200 | 10120 | 12222,8 | 13934,0 | 7 | Sản xuất sản phẩm kim loại | 3428,0 | 4085,9 | 3999,8 | 4239,8 | 8 | Tổng | 26890,9 | 30382,2 | 34619,8 | 39918,3 | 9 | Các ngành công nghiệp trong cả nước | 103374,7 | 118096,6 | 134419,7 | 150684,6 | 10 | Tỷ lệ ngành khoáng sản/công nghiệp, % | 26,00 | 26,00 | 26,00 | 26,00 |
Nguồn: niên giám thống kê (đơn vị: tỷ đồng)
Bài do tác giả Thái Thanh Hà cung cấp
(còn tiếp) |