Việt Nam có trở thành quốc gia giàu có? - Phần 1Bước tiếp theo khi cả dân tộc đã có tầm nhìn cho sự giàu có và xây dựng được lòng tự trọng dân tộc là chúng ta phải lập cho được qui hoạch phát triển quốc gia. - Ý kiến của doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn.
Một mặt, Việt Nam phải căn cứ vào các xu hướng phát triển của thế giới, điều kiện tự nhiên, nguồn lực của đất nước mình để từ đó qui hoạch phát triển đất nước một cách thông minh nhất, hiệu quả nhất.
Qui hoạch đó nhất thiết phải coi nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ cao của Việt Nam là phương tiện duy nhất để đạt được mục tiêu quốc gia giàu có. Vì xét về bản chất, đây chính là cái gốc cho mọi sự phát triển.
Chúng ta chỉ có thể thoát nghèo, nếu dùng công nghệ hạng 2, 3 của các
nước giàu trên thế giới
Chiến lược phát triển quốc gia xếp theo thứ tự ưu tiên là:
1. Phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam có trình độ cao: phát triển giáo dục và đào tạo.
(Đây là chiến lược quan trọng nhất).
2. Phát triển công nghiệp tri thức: sản phẩm phần mềm, các bản quyền phát minh sáng chế.
3. Phát triển công nghiệp du lịch kết hợp dịch vụ thương mại.
4. Phát triển công nghiệp công nghệ cao.
5. Phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, qui mô lớn.
Mặt khác, chúng ta phải không ngừng dõi theo các nhu cầu biến động của thị trường thế giới trong từng ngày từng giờ để sẵn sàng ứng phó, điều chỉnh linh hoạt các chính sách của chúng ta trên cơ sở kiên định các định hướng nền tảng của các xu hướng phát triển đất nước trong thời gian dài hạn.
Cuối cùng là phải tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc hành động một cách quyết liệt nhất. Đối với Việt Nam hiện nay đây là điều khó khăn lớn nhất phải vượt qua.
Tại sao vậy?
Vì nhược điểm lớn nhất của dân tộc ta hiện nay từ nhà lãnh đạo cho đến người dân là thói quen quyết định mọi việc dựa trên tình cảm chứ ít dựa trên lý trí.
Tại sao lại qui hoạch như vậy?
Để có ngành công nghiệp hiện đại như hiện nay các nước Anh, Pháp, Mỹ phải mất hơn 100 năm. Nhật Bản mất hơn 80 năm. Hàn Quốc mất hơn 40 năm. Trung quốc mất hơn 30 năm nhưng hiện nay vẫn chưa được coi là nước có nền công nghiệp phát triển.
Việt Nam có nhất thiết phải chọn con đường phát triển công nghiệp mà các nước khác đã đi qua và bắt đầu từ đầu? Và Việt Nam sẽ đóng vai trò gì trong ngành công nghiệp toàn cầu sau 50 năm nữa? Với thời gian đó Việt Nam sẽ được gì và mất gì?
Hơn 20 năm đổi mới kinh tế với phương châm “đi tắt, đón đầu” ta đã kêu gọi và tạo ra rất nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, với mong muốn Việt Nam có được ngành công nghiệp ôtô đã không trở thành hiện thực thì đây chính là một phần thực tế đã trả lời cho câu hỏi đó.
Tại sao lại như vậy?
Vì nhà đầu tư chỉ đầu tư những gì có lợi cho họ chứ họ không đầu tư theo mong muốn chủ quan của chúng ta.
Một thực tế là các nước giàu có thể giàu lên được là vì họ sở hữu các công nghệ tiên tiến hơn các nước nghèo. Hơn nữa, để duy trì sự giàu có, chính phủ của các nước giàu còn kiểm soát và hạn chế các công ty nước họ xuất khẩu hay đầu tư ra nước ngoài các loại công nghệ và kỹ thuật cao.
Vì sao ư? Không bao giờ các nước giàu lại đi đầu tư hay cung cấp cho các nước nghèo hơn họ các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến nhất vì làm như vậy vị trí là nước giàu của họ sẽ bị nước khác lấy mất!
Điều đó chứng minh rằng Việt Nam kêu gọi đầu tư và mong đợi các nước giàu sẽ đầu tư xây dựng ngành công nghiệp hiện đại tiên tiến tại Việt Nam là điều không thể xảy ra. Chính xác hơn sẽ chỉ là các loại công nghệ hạng 3 hay hạng 2 là cùng! Vậy thì với công nghệ lạc hậu như thế thì Việt Nam làm sao có thể trở thành quốc gia giàu có được!
Suy cho cùng, chúng chỉ có thể giúp chúng ta xoá được đói, giảm được nghèo!
Rõ ràng, muốn trở thành quốc gia giàu có thì phải sở hữu được các công nghệ và kỹ thuật cao. Các công nghệ này nhiều khi có tiền cũng không mua được chứ đừng hy vọng nước ngoài đầu tư cho chúng ta. Vậy thì làm thế nào để có được chúng?
Muốn có công nghệ cao thì không còn con đường nào khác là phải tự đầu tư cho R&D (Research & Development).
Như vậy, có thể kết luận là giáo dục, đào tạo cùng với đầu tư cho nghiên cứu phát triển là con đường duy nhất để một quốc gia phấn đấu trở thành giàu có.
Không bao giờ các nước giàu lại đi đầu tư hay cung cấp cho các nước
nghèo hơn họ các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến nhất Nhưng đầu tư cho R&D là rất tốn kém, đất nước ta lại đang rất nghèo, lo ăn không xong còn lấy đâu ra tiền cho đầu tư R&D!
Tiếp sau đó là ứng dụng ở đâu để có thể thu hồi vốn đầu tư cho nghiên cứu? Lại còn vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nếu không sẽ bị sao chép lậu?
Đến đây thì chúng ta hiểu vì sao Mỹ là quốc gia giàu nhất thế giới nhưng luôn đi đầu trong các đòi hỏi cao đối với các nước khác về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và họ luôn tìm cách gắn nó với các hiệp định thương mại và đầu tư của Mỹ với các nước khác.
Tại sao lại qui hoạch phát triển nguồn nhân lực trình độ cao: phát triển giáo dục đào tạo là ưu tiên số 1 trong chiến lược quốc gia?
Vì thực tế cho thấy chỉ có những dân tộc thông minh, người dân có trình độ cao mới tạo nên được một quốc gia giàu có!
Những nước thiếu nhân lực có trình độ cao thì không bao giờ các nhà đầu tư lại đến để đầu tư các nhà máy có công nghệ hiện đại, sử dụng lao động có kỹ thuật cao.
Thay vào đó, họ chỉ đầu tư các nhà máy với công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều lao động thủ công với đồng lương chi trả rẻ mạt và hay gây ra ô nhiễm môi trường. Nước tiếp nhận đầu tư luôn phải chịu thiệt thòi về mọi phương diện.
Xuất khẩu lao động có tay nghề, trình độ đạt tiêu chuẩn quốc tế là một hướng giải quyết rất tốt cho quá trình khởi đầu chặng đường làm giàu cho quốc gia. Đây cũng chính là giải pháp tốt nhất cho bài toán một lực lượng lớn trong số 75% dân số nước ta là lao động nông thôn sẽ bị dôi ra khi thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, qui mô lớn. Trong khi chúng ta chưa có đủ các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nước có khả năng tiếp nhận họ.
Chúng ta cũng phải nhận thức là: Một lực lượng lao động lớn có trình độ, tay nghề cao sẽ là sức mạnh của một quốc gia, nhưng ngược lại nếu không có trình độ, tay nghề thì họ lại trở thành gánh nặng quốc gia!
Như vậy, rõ ràng là chúng ta phải có chiến lược quốc gia cho đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực và nó phải là ưu tiên số 1 của dân tộc ta không chỉ hiện tại mà còn mãi mãi về sau.
|