...Chúng ta đã đi qua một quãng đường dài của đổi mới: 20 năm. Và chúng ta phát hiện ra chúng ta còn cần nhiều hơn tính nguyên tắc và sự bền bỉ. Cho đến tận bây giờ, hình ảnh một người bán trứng ở thành phố Melbourne – Úc trong một buổi sáng màu đông năm 1992 thi thoảng vẫn hiện lên trong tâm trí tôi. Đấy là một người nhập cư còn rất trẻ. Anh ăn mặc giản dị và xách một chiếc giỏ gỗ vuông có xếp những khay trứng. Anh đi dọc một con phố lớn với những cửa hiệu sầm uất. Vừa đi vừa rao. Tôi đã đi theo người đàn ông đó một đoạn dài. Người đàn ông cứ đi dọc hè phố một cách bền bỉ. Tôi chẳng thấy anh bán được quả trứng nào. Trong khi tôi bắt đầu thấy sốt ruột và lo âu cho công việc của anh thì anh không hề biểu lộ một chút gì của sự sốt ruột hay mệt mỏi. Anh vẫn rao đều đều và luôn luôn nở nụ cười với người đi qua. Tôi muốn ngắm nhìn hình ảnh đó.
Hình ảnh này tôi đã nhìn thấy đâu đó ở Hà Nội trước kia. Tôi cứ tự hỏi, ở một đất nước có quá nhiều siêu thị khổng lồ thì những khay trứng kia sẽ giúp được gì cho người đàn ông đó. Mỗi quả trứng bán được, ông chỉ được lãi mấy xu mà thôi. Đến khi nào anh sẽ kiếm được một đô la. Và đến khi nào anh sẽ kiếm được 1.000 đô la. Nhưng ngay lúc đó, một ai đó đã ghé vào tai tôi và nói: “Anh ấy có thể trở thành một triệu phú hoặc tỷ phú trong tương lai”.
Thực tế, nhiều người nhập cư đã trở thành triệu phú, tỷ phú từ một sự khởi đầu như thế. Bởi người đàn ông kia mang trong mình một khát vọng chân chính: làm giàu. Nhưng anh đã bắt đầu bằng một hành động không ai có thể bỏ qua hoặc đi tắt. Đó là tính nguyên tắc và sự bền bỉ trong công việc. Không được phép sốt ruột, không được phép nao núng và không được phép mệt mỏi. Mấy ngày sau đó, tôi có nói chuyện với một giáo sư Úc về người nhập cư bán trứng đó. Vị giáo sư đồng ý với cách nhìn nhận của tôi.
Câu chuyện người nhập cư bán trứng là một đề dẫn của bài viết vừa như là câu chuyện chính của bài viết này. Bởi điều tôi muốn nói sau đây là nói về người Việt chúng ta. Chúng ta đã đi qua một quãng đường dài của đổi mới: 20 năm. Và chúng ta phát hiện ra chúng ta còn cần hơn nữa tính nguyên tắc và sự bền bỉ.
Quả thực chúng ta có thể đã mắc bệnh ăn xổi và làm dối. Khi viết đến đây tôi nhớ đến mấy ngày trước một người bạn của tôi khi uống cà phê đã than thở về một công trình tầm cỡ quốc gia vừa khánh thành xong đã bắt đầu có những chỗ phải tu sửa lại. Chúng ta vừa mới khai mạc công trình thế kỷ đó và chúng ta lại bắt đầu sửa chữa. Hình ảnh vừa khánh thành vừa sửa chữa không có gì lạ với người Việt Nam. Những con đường là hình ảnh mà chúng ta dễ nhìn thấy nhất. Khi làm đến cuối con đường thì những người làm đường quay lại sửa đoạn đầu con đường. Hình như chúng ta chưa làm được một cái gì cho thực sự bền vững. .
Ăn xổi ở chỗ những con đường vừa mới hoàn thành đã bị đào lên như thế này
Chỉ là những viên đá lát quanh hồ Thiền Quang nhưng khoảng 20 năm nay tôi thấy người ta thay đổi đến không biết bao lần. Trong khi đó, hầu hết những thành phố Châu Âu có những con đường lát đá đã mòn vẹt. Nghĩa là hàng chục và có thể cả hàng trăm nay họ chưa hề thay đổi chúng. Vì sao vậy, vì họ không có tiền để sửa chữa và thay đổi chẳng? Tôi hỏi đùa đấy thôi. Chỉ vì họ có thẩm mỹ để chọn những viên đá lát đường như thế nào và vì họ đã đặt chúng xuống với một trách nhiệm như thế nào. Vì họ không tìm cách đào chúng lên để làm lại nhằm tìm cách rút tiền đầu tư cho sửa chữa hay làm một công trình mới. Thật khủng khiếp khi họ rút thép từ những công trình lớn để lấy tiền. Họ không cần nghĩ đến tính mạng của bao con người sống hoặc làm việc trong những toà nhà ấy.
Hiện thực cho thấy chỉ mươi năm sau đổi mới đã có những người giàu lên một cách chóng mặt. Họ là những “thiên tài” chăng ? Không. Trong số họ, nhiều người chỉ là những kẻ biết cách ăn cắp tiền của Nhà nước và của nhân dân mà thôi. Họ không làm ra sản phẩm gì đáng kể. Sự giàu có này chỉ là sự chuyển đổi tiền ở nhiều cái túi của những người lao động chân chính vào túi của một vài người mà thôi. Tất nhiên có nhiều người giàu lên bởi họ đã lao động với sự sáng tạo và bền bỉ không ngơi giống như hình ảnh người bán trứng nhập cư kia...
Ngay cả một số người dân cũng giàu lên một cách nhanh chóng. Họ bán đất cho công trình hoặc bán đất cấy trồng khi giá đất đang sốt để lấy một cục tiền xây nhà lầu, mua xe máy loại mốt nhất và thận chí mua cả xe hơi. Nhưng tiền chỉ để tiêu thì bao nhiêu cũng cạn. Đến một ngày, họ trở nên túng quẫn không có lối thoát ngay trong chính những ngôi nhà nhiều tầng của họ. Họ sẽ rơi vào nợ nần chống chất. Họ chết thì con họ, cháu họ, chắt họ sẽ phải còng lưng trả nợ.
Lúc này, tôi lại nhớ đến một câu chuyện cổ tích, truyện ông lão đánh cá và con cá vàng. Người đàn bà nghèo đói và tham lam trong câu chuyện đang ngồi trước một cái máng lợn mẻ và mơ trở thành kẻ vương giả. Tất cả có thể đến. Và thực tế người đàn bà đã trở nên giàu có và đầy quyền lực. Nhưng tất cả phải kết thúc một cách nhanh chóng. Nhanh chóng như khi bà ta trở thành kẻ quyền quí. Hiện thực của bà ta là cái máng lợn mẻ và không có cách nào để thay đổi được hiện thực đó ngoại trừ bà ta phải lao động để trước hết có một cái máng lợn lành. Nếu bà ta không làm ra được một cái máng lợn lành thì không thể mua được bất cứ thứ gì lớn hơn cái máng lợn kia.
Chúng ta hãy đi bộ một ngày qua thành phố để nhìn và suy ngẫm những gì chúng ta thấy. Và thật dễ dàng chúng ta nhận thấy ngay rằng có quá nhiều thứ chúng ta đã làm một cách cẩu thả và dối trá. Chúng ta không có một ý thức tối thiểu khi sang đường hay dừng lại khi có đèn đỏ. Chúng ta không có ý thức làm một cái tăm cho tử tế. Chúng ta bừa bãi bán thực phẩm ôi thiu và nhiễm bệnh. Chúng ta lừa dối trong thi cử. Chúng ta bán luận án Thạc sỹ và cả Tiến sỹ. Chúng ta đang huỷ hoại chúng ta và chúng ta là những con mọt ăn ruỗng lương tâm và trí tuệ của dân tộc.
Và lúc này, hình ảnh người bán trứng nhập cư lại hiện lên trước mắt tôi và câu chuyện ông lão đánh cá và con cá vàng lại được kể bên tai tôi…
|