Thư sau đây là của H. Ayn Rand (1905-1982), người Mỹ gốc Nga – tác giả We The living, The Anthem, The Fountainhead, Atlas Shrugged và một số sách khác, gửi ông Tom Girdler, người sáng lập của Republic Steel và Vultee Aircraft. Xin mọi người đọc thuật kỹ và thật bình tâm, đặt một ấm nước, lúc đọc xong là lúc nước sôi, pha bình trà, uống và ngẫm nghĩ về người Mỹ, về quan điểm đạo đức xem nó ra răng.
Thưa ông Girdler,
Tôi mới đọc bản thảo Quyền được lao động của ông. Đó là một tác phẩm tuyệt vời. Xin hãy nhận lời chúc mừng sâu sắc nhất của tôi.
Tuy nhiên, khi đọc tác phẩm, tôi không khỏi có cảm giác rằng ông mới chỉ gần chạm vào được nguyên tắc đạo đức cơ bản nhất mà ông muốn trình bày để xây dựng nền văn minh.
Sai lầm lớn nhất của thế giới chính là ở chỗ chúng ta đã chấp nhận và tin rằng chủ nghĩa vị nhân sinh, tức là lấy việc phục vụ người khác như một nguyên tắc tối cao và coi việc đặt người khác lên trên bản thân mình là một biểu hiện của đức hạnh.
Nghĩa vụ đầu tiên của con người phải là nghĩa vụ với chính mình, chứ không phải với người khác. Một người sẽ chỉ tồn tại nhờ vào việc sử dụng trí não của mình nhằm đáp ứng những đòi hỏi tự nhiên – nghĩa là sử dụng trí tuệ vào công việc sáng tạo. Vâng, chúng ta đã luôn được dạy dỗ rằng, đức hạnh cao nhất là “cho”, chứ không phải là “tạo”. Nhưng người ta không thể cho cái chưa được tạo ra. Do vậy nhu cầu về người sáng tạo phải có trước nhu cầu về người hưởng lợi. Người sáng tạo phải đứng trên bất kỳ người theo chủ nghĩa vị nhân sinh nào (humanitarian).
Trong lịch sử loài người, không một người làm công tác từ thiện nào có thể tự tạo ra lợi ích ngang với lợi ích mà con người nhận được từ Thomas Edison hay Henry Ford. Nhưng người sáng tạo không quan tâm tới các lợi ích này, chúng chỉ là hệ quả thứ yếu mà thôi. Anh ta coi việc lao động sáng tạo của mình là mục đích chủ đạo trong cuộc sống chứ không phải việc phục vụ người khác. Thomas Edison không quan tâm đến tới việc tạo bóng đèn điện cho những người nghèo sống trong các nhà ổ chuột. Ông ta chỉ quan tâm tới việc tạo bóng đèn điện mà thôi. Và ông , thưa ông Girdler, ông không quan tâm tới lợi ích của người nghèo khi họ mua được thép rẻ và tốt. Ông quan tâm tới công việc sản xuất thép mà thôi. Ông không bị dao động bởi cái động cơ phục vụ người khác mà cả thế giới tin vào. Ông chỉ đi theo một động cơ đơn giản, mang tính cá nhân, đi theo một tình yêu ích kỷ và cao quý đối với công việc của chính mình. Đó chính là động cơ đạo đức chân chính nhất và là đức hạnh lớn nhất của đời người.
Ông nói trong quyển sách của mình: “Tôi phản đối bất cứ ai có quan điểm rằng những người như Mr.Taff – hay tổng thống Roosevelt – là những người đáng kính hơn, tốt hơn, ít vụ lợi hơn người khác, bởi vì họ không phải có nghĩa vụ kiếm sống”. Tôi cho rằng ông đã chưa đi đến rốt ráo vấn đề. Tôi thì nói rằng “ Tôi phản đối bất cứ ai có quan điểm rằng nhà chính trị và những người làm công tác xã hội không tồi tệ hơn những người phải lao động để kiếm sống”. Tôi nói rằng những kẻ theo chủ nghĩa nhân văn – trên nguyên tắc và cả trên thực tế - là những kẻ ăn bám bởi mối quan tâm hàng đầu của họ là phân phát chứ không phải sản xuất; nói đúng ra thì là quan tâm đến việc phân phát những gì mà họ không sản xuất ra. Những kẻ ăn bám thì không bao giờ đáng kính hay tốt cả. Vì thế tôi rất choáng váng khi nghe ông - một nhà công nghiệp lớn - tự biện minh rằng ông cũng tốt như những người làm công tác xã hội. Không, ông tốt hơn nhiều. Nhưng ông sẽ không bao giờ chứng minh được điều đó cho đến khi chúng ta có một nguyên tắc đạo đức mới.
H. Ayn Rand
Tạp chí Tia Sáng Số 1 (25/05/2002)
|