Một đợt túng quẫn, hắn lọ mọ đến gặp tay bạn là sếp nhà xuất bản “Nửa Cái Bánh Mỳ” xin vay nóng ít tiền, đổi lại hứa sẽ viết một cuốn tiểu thuyết dày độ 4-500 trang. Vì thương bạn và ngại kỳ nèo, tên này đưa ra xấp tiền cho bạn tiêu đỡ, chứ cũng chả hy vọng vì vẫn biết thằng bạn mình toàn viết vớ, viết vẩn, đăng vớ, đăng vẩn, nhiều nhất vài ba trang, chứ tài cán gì mà tiểu với chả thuyết.
Thế rồi, tiền tiêu sắp hết, hạn nộp bản thảo cũng sắp đến mà vẫn vắt đầu ra vẫn chưa được hột chữ. Viết nhăng viết cuội ba cái chuyện trinh thám, hồi ký, thất tình, tình tay ba, tay bốn, sếch xiếc, lâm ly bi đát ... thì dễ nhưng những chuyện như thế người ta viết mãi rồi, viết nữa có ma nó đọc. Mà lần này lại là tiểu thuyết 500 trang chứ đâu phải chuyện đùa. Nghĩ ra cốt truyện đã vỡ cả đầu, lại còn phải vẽ ra các lớp nhân vật, phản diện, chính diện, rồi thì nội dung, ý tứ chuyển tải… Đúng là ếch chết tại miệng.
Dù gì, hắn vẫn là người tự trọng, có vay có trả, lòng canh cánh nỗi niềm không thể thất hứa, nhất là chuyện tiền nong… Nghĩ mãi rồi cũng ra một kế.
Bèn sai con cháu lấy vài chồng sách, báo trên giá cao, cho vào một xô đầy nước ngâm kỹ liền trong một ngày cùng tý bột giặt có nhãn hiệu mà chị em nội trợ đang ưa chuộng. Tiếp là cho mớ sách báo ngâm nước đó vào một cái cối xay to, xay nhuyễn ra như bột nước. Tiếp là lấy rây thép mắt nhỏ, rây lọc ra được ba đấu chữ. Chữ nào chữ nấy đen nhưng nhức như hạt na.
Xong đâu đó, trai giới một tuần, chuyện phòng the tuyệt đối kiêng cữ. Đến ngày lành, tháng tốt, lại sai con cháu thắp hương khấn vái trời đất, tổ tiên, rồi kính cẩn rắc ba đấu chữ lên mấy xấp giấy nhãn hiệu “Cao Nguyên” nổi tiếng một thời. Chữ rắc đến đâu, bám vào giấy đến đó cứ như sắt bị nam châm hút vậy. Ba đấu chữ bám vào được hơn bốn trăm trang, chữ nghĩa chi chít như đỗ đen. Bìa tự có tên: “Kái Cù Quoắng”. Cũng chẳng cần đọc, sai con cháu đóng quyển gửi ngay sang nhà xuất bản “Nửa Cái Bánh Mỳ” cho đúng hạn.
Thằng bạn vừa xem vừa vỗ đùi đen đét, cười ha hả, rồi không sửa một chữ, gửi thẳng xuống nhà in.
Năm đó, “Kái Cù Quoắng” bán cực chạy và được liệt vào loại tiểu thuyết “best seller” của năm. “Nửa Cái Bánh Mỳ” và các nhà in lậu và không lậu hoạt động hết công suất mà cung vẫn không đủ cầu. “Kái Cù Quoắng” được lùng sục cả trong và ngoài nước. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, rồi “Kái Cù Quoắng” còn được dịch ra tiếng Anh thành “Kai Cu Quoang”, rồi tiếng Đức, tiếng Tàu, tiếng Ả-Rập, tiếng Bồ, tiếng Hàn... Nghe nói truyện còn được Hollywood chuẩn bị quay thành phim.
Tiền bạn ứng coi như xong. Tiền nhuận bút tính theo đầu sách tuy rẻ bèo, nhưng cùng với tiền bản quyền đã giúp hắn mua được nhà lầu để ở, ô tô xịn để đi. Bản thân hắn còn được mời vào hội này hội nọ, vinh danh, tôn vinh suốt suốt… Nhiều khi thấy ngại.
Thằng bạn “Nửa Cái Bánh Mỳ” nhân lúc nhàn tản, tò mò hỏi bí quyết viết tiểu thuyết, hắn mỉm cười bí hiểm bảo thiên cơ bất khả lộ.
Thực ra, số sách, báo lấy xuống giã làm “lẩu chữ” gồm đủ loại tiểu thuyết, thơ, lịch sử, văn hoá, xã hội, chính trị, kinh tế, quản lý; có cả sách giáo khoa của bọn con cháu qua các đợt cải cách giáo dục… mua từ các nguồn in lậu lẫn không in lậu về đọc rồi xếp lộn xộn trên giá. Không hiểu duyên trời, duyên đất thế nào mà chữ rây ra lại thành sách ăn khách vậy.
Đại Tao, February 26, 2009
|