Sáng nay, 2-10, Hội Khuyến học Việt Nam long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 2-10 hằng năm là ngày Khuyến học Việt Nam. Theo PTTg Nguyễn Thiện Nhân, đây là sự trân trọng của Chính phủ đối với truyền thống hiếu học và ham học của dân tộc ta.
Bác PTTg Nhân mà đã nói thế thì chắc là thế. Và Tao cũng được nghe (bằng tiếng Việt hẳn hòi) nhiều nhiều rằng dân ta có truyền thống hiếu học và ham học từ lẩu lầu lâu. Ừ, có nhiều tấm gương hiếu học lắm, ví dụ nhà nghèo không có đèn, bắt đom đóm cho vào lọ lấy ánh sáng đọc sách; nhà nghèo không có tiền nộp học, nhưng vì ham chữ nên vẫn đứng ngoài cửa dòm vào lớp học mà thành tài, rồi thì thầy đồ xứ nghệ ăn cá gỗ mà vẫn chăm đọc sách, rồi thì trạng nọ trạng kia ... toàn người hiếu học cả.
Nhưng, lật đi lật lại vấn đề thì lại hơi lăn tăn. Chả lẽ nói như bác Nhân, nói như ai đó vẫn nói từ lẩu lầu lâu, thì các dân tộc khác không hiếu học như dân tộc ta á? Mà hình như có cả dân tộc không hiếu học một cách truyền thống hay sao ý? Mà giả như dân tộc ta hiếu học, ham học một cách truyền thống thật, còn còn dân tộc họ thì không có cái truyền thống như dân tộc ta, thì tại sao các dân tộc khác lại có lắm nhà bác học đến thế, lại có nhiều người giỏi đến thế? Rồi chính họ lại đề ra học thuyết này học thuyết nọ, để cho dân tộc hiếu học ham học một cách truyền thống như chúng ta đời đời đi theo mà vẫn không đến nơi đến chốn được nhỉ?
Càng nghĩ lại càng thấy có gì không ổn. Hoặc là chúng ta thực sự chả hiếu học như chúng ta tưởng, như chúng ta vẫn tự khen nhau bấy lâu (bằng tiếng Việt thôi, để chẳng ma nào khác hiểu), hoặc là cái thang đánh giá, công nhận bác học, công nhận người tài của các dân tộc khác không chuẩn như cái thang đánh giá nhân tài của người Việt chúng ta.
Bạn có nghĩ rằng dân mình hiếu học???
Đại Tao - October 2, 2008
|