Nhà nọ bị lũ chuột quấy phá, hai vợ chồng bàn nhau mua bẫy diệt. Chuột nghe thấy, sợ quá, liền chạy đến cầu cứu gà. Gà nghe xong thản nhiên bảo:
- Chuyện bẫy chuột là của các cậu, liên quan gì đến chúng tôi? Lũ chuột không biết làm thế nào, đành đến gặp lợn. Mấy bác lợn thủng thẳng bảo: - Rõ ràng, bẫy chuột là để lấy mạng các cậu, đâu phải lấy mạng chúng tôi. Nói chuyện đó với chúng tôi làm gì? Chuột bèn đem chuyện nói với bò. Bò tức giận bảo: - Vớ vẩn, bẫy chuột chỉ bẫy chuột thôi, sao làm hại tôi được? Chuột sợ quá chẳng dám ra ngoài. Đến đêm, người vợ bỗng nghe tiếng bẫy sập liền dậy xem. Ai dè bị con rắn sập bẫy cắn vào chân.
Do đó là rắn độc nên người vợ ốm rất nặng. Người chồng lo lắng nên thịt gà để vợ bồi bổ. Tuy vậy bệnh tình không giảm mà càng nặng hơn. Họ hàng, xóm làng đến thăm nom nhiều, người chồng phải thịt lợn, vừa lấy tiền thuốc thang vừa tiếp đãi khách khứa. Tuy vậy, người vợ vẫn không qua khỏi và mất. Người chồng đành bán bò lo ma chay cho vợ rồi bỏ nhà đi lang thang. Họ hàng nhà chuột phải chuyển đi nơi khác.
Lời bàn của Tao: Theo Lý thuyết trò chơi, trong bất cứ trò chơi nào, luật chơi và tương quan lực lượng giữa những người chơi sẽ thay đổi khi có một yếu tố mới xuất hiện. Và sự thay đổi này nhiều khi vượt quá sức tưởng tượng của những người tham gia trò chơi, vượt quá sự tính toán về khả năng thắng - thua (win - lose) của những người vừa nhảy vào trò chơi do sự thôi thúc bởi những toan tính được mất này. Trong câu chuyện ngụ ngôn trên, vợ chồng nhà nọ cùng chuột, gà, lợn, bò đang sống bình thường. Sống bình thường, dù chuột quậy phá, vì như thế có vẻ hợp cái lẽ tự nhiên ở đời. Nhưng một ngày nào đó, người bỗng thấy khó chịu với chuột, bèn tìm cách loại nó ra khỏi cuộc chơi. Cái bẫy chuột xuất hiện, và đó là yếu tố mới làm luật chơi thay đổi. Giả như không có bẫy chuột, có lẽ đêm đêm, trong bếp của họ vẫn có một con rắn độc nào đó lần mò, nhưng người vợ không vì thế mà tỉnh giấc... Và cuộc sống của gia đình này cùng chuột, gà, lợn, bò vẫn trôi đi như cũ... Rất tiếc, những thành viên của cuộc chơi đã không biết rằng khi cái bẫy chuột xuất hiện, luật chơi phải thay đổi. Và thế là cái sảy nảy cái ung.
Đời là một trò chơi khổng lồ với hằng hà vô số người chơi, với hằng hà vô số yếu tố mới (kể cả tốt lẫn xấu) xuất hiện, tạo nên luật chơi mới. Thế nên, đừng lo làm việc tốt không ai biết, làm việc xấu chẳng ai hay. Và phải chăng, vì triết lý này đã được những người nghiên cứu Lý thuyết trò chơi phát hiện, nên nhiều người trong số họ đã được giải thưởng Nobel?
Kết luận 1 của Tao: Cái gì quá cũng hỏng!
Kết luận 2 của Tao: Không thể cháy nhà hàng xóm mà bình chân như vại!
|