Trời mưa bão, Lão Tao không đi bơi sáng. Hết nằm nghiêng, lại nằm ngửa và rồi chuyển sang nằm sấp. Đã nằm sấp là bắt đầu nghĩ ngợi linh tinh. Linh tinh cũng đúng, bởi nếu muốn ngủ nữa thì phải nằm nghiêng, nằm ngửa, chứ đã nằm sấp thì coi là xong. Thức sấp thì có chứ mấy ai ngủ sấp! Mà đã không ngủ được thì nghĩ, mấy ai để đầu óc rỗng như chân không bao giờ?
GS Ngô Bảo Châu giỏi quá. Cái bổ đề Langlands khó thế, bao năm chả nhà toán học thế giới nào giải được, thế mà vào tay GS Ngô Bảo Châu là được giải ngon ơ. Giải thưởng Fields quá xứng đáng. Thế giới công nhận, và ta cũng còn công nhận nữa là.
Nhưng GS Ngô Bảo Châu đâu chỉ giỏi toán? Chỉ riêng việc cho rằng “bám theo lề là việc của con cừu, không phải là việc của con người tự do”, GS đáng được giải Nobel văn chương hay giải Nobel nhân văn (nếu có) lắm chứ. Đó chẳng phải là lời giải cho Bổ đề “Cừu và Lề” hay sao?
Chuyện về cừu thì dân tây biết nhiều hơn dân mình, và đa số họ thích thịt cừu, chứ dân mình đa phần chê thịt nó hoi hoi. Đối với dân mình, con cừu ít quen thuộc bằng con lừa, dù rằng không phải ai cũng đã nhìn thấy lừa. Có lẽ lừa (ý là con lừa động vật, bằng da, bằng thịt) quen thuộc bởi những câu như “Ngu như lừa”, “Thân lừa ưa nặng”. Còn nếu giữa người với người thì người ta nói tới lừa khi “ăn quả lừa”, “bị quả lừa”, “tà lưa”… Tất nhiên, cừu khác lừa, nhưng chúng giống nhau ở chỗ cùng loài động vật ăn cỏ, hiền lành, dễ chăn dắt, cam chịu, dễ bị bắt nạt và thường là mồi ngon cho các loài ăn thịt khác.
Nói chung, trước GS Ngô Bảo Châu, thiên hạ có ối chuyện về cừu, (cả về lừa). Thiên hạ có nhiều chuyện về lề, bàn luận nhiều về lề. Thiên hạ cũng bàn luận nhiều chuyện về con người, bàn luận nhiều chuyện về tự do… Nhưng chưa ai bảo cừu (hay lừa) phải bám theo lề, còn con người tự do thì không. Thật là khai sáng, thật là thâm thuý.
Nhưng không linh tinh nữa, quay lại với Bổ đề “Cừu và Lề” nhé. Tại sao việc của cừu (hay lừa) là bám theo lề? Quá đơn văn giản! Phải như thế là bởi ở đó có cỏ. Đi giữa đường lấy gì mà ăn, lại còn bị xe cộ chẹt chết ý chứ. Cỏ thì ở đâu chả có, cỏ mọc khắp nơi, mọc đầy đồng, đầy bãi, cứ gì lề mà phải bám theo lề? Thì vẫn biết là khắp nơi, nhưng nếu không bám theo lề, theo đường thì sẽ đi lung tung, đi lẻ tẻ, lúc đó loài khác nó xơi tái luôn á? Vậy nên cừu (hay lừa) phải bám theo lề, để mà thành bầy cừu (lừa), đoàn cừu (lừa), mới thành số đông không sợ số ít. Thật là khai sáng, thật là thâm thuý.
Vậy thì việc của con người tự do là gì? GS Ngô Bảo Châu không nói, nhưng Lão Tao đồ rằng việc của con người tự do là không quan tâm tới việc “ăn cỏ theo lề”. Họ sẽ làm những gì họ muốn, họ thấy có ích cho bản thân và nhân loại. Biết đâu trong đó có cả việc làm ra đường, ra lề, để lũ cừu (lừa) bám vào ăn cỏ? Nếu đúng thế thì thật là khai sáng, thật là thâm thuý.
|