Ảnh sưu tầm từ Internet
Du khách nước ngoài thường ca ngợi người Việt Nam thân thiện, cởi mở, hiếu khách và rất hay cười. Nhiều người Việt Nam cũng cho là thế. Riêng Tao nghĩ khác. Tao cho rằng người Việt Nam thân thiện, cởi mở và hay cười với người nước ngoài là do trở ngại về ngôn ngữ, là do tâm lý sính ngoại, sợ ngoại nên thấy mấy ông tây bà đầm nói gì không hiểu đành cười trừ, trả lời không được đành cười xoà, chứ bình thường người Việt Nam đâu có hay cười khi chỉ còn chúng ta, khi chỉ còn "tồng chí" với nhau.
Bạn có thể không tin. Nhưng, sáng sớm những ai trong gia đình bạn cười với nhau khi ra khỏi nhà? Tại hàng quà sáng, bạn và người bán hàng sẽ thân thiện chào hỏi và cười với nhau chứ? Chắc là bạn sẽ lặng lẽ gọi hoặc “một tái chín”, “một đầy đủ”, một “nạm”, “3 ngàn, vừng lạc” hay gì gì đó, rồi lặng lẽ tìm một bàn trống ngồi chờ, lặng lẽ ăn, lặng lẽ trả tiền, lặng lẽ đi ra. Bạn đâu có cười với người ngồi ăn cùng bàn? Cười với người không quen a? Có hâm không? Mà mình không thấy hâm thì người khác cũng bảo mình hâm.
Rồi bạn tới nơi làm việc bằng xe buýt, cứ cho là thế. Bác tài, phụ xe và bạn liệu có niềm nở chào hỏi, niềm nở chúc nhau một buổi sáng tốt lành hay việc ai người đó làm? Cá với bạn rằng bạn lẳng lặng lên xe, lẳng lặng chìa tiền hay vé tháng và phụ xe cũng lẳng lặng làm công việc của mình. Nếu họ có coi bạn là bình vôi và nếu họ không cấm cảu, không phanh gấp, không văng tục khi ách tắc giao thông, khi xe máy đi ẩu cũng là đã may lắm.
Rồi suốt ngày tại nơi làm việc, liệu bạn mỉm cười với cấp trên, với đồng nghiệp, với cấp dưới, với khách hàng được mấy lần? Khi đi ngủ, hãy kiểm lại liệu một ngày bạn đã mấy lần nở nụ cười.
Thế đấy! Chúng ta đâu có hay cười như người nước ngoài tưởng. Tệ hơn, chúng ta nếu phải cười thì hay cười đơn phương, một kiểu cười mà một bên cười, còn bên kia dửng dưng hoặc cau có. Thật thế, trong các cơ quan công quyền, bạn sẽ phải đi nhẹ, nói khẽ, luôn tươi cười và thưa gửi lễ độ với các “công bộc” suốt ngày khó đăm đăm, ăn nói cấm cảu, (hình như ở đâu đó đã yêu cầu các “công bộc của dân” tham gia “khóa học cười”). Lại nữa, trong bệnh viện, dù bạn là người đóng bảo hiểm, trả tiền dịch vụ, là người đau ốm, bạn vẫn phải chủ động tươi cười lấy lòng các “lương y” hơn là chờ đợi thái độ “như từ mẫu” của họ. “Cởi áo ra nhanh lên”, “Co chân trái vào”, “Đừng có cựa quạy”, “Xong rồi”, “Người tiếp theo” ... là những mệnh lệnh bạn phải cố nghe và làm cho thật tốt chứ đừng để các “từ mẫu” bực mình. Vv và vv…
Điều ngạc nhiên là tại sao người ta có thể cấm cảu suốt ngày. Không lẽ nhu cầu được thể hiện uy quyền, nhu cầu được tôn trọng theo lý thuyết của A. Maslow về nhu cầu con người là động cơ cho những hành vi chẳng hay ho này? Không lẽ chúng ta không biết rằng khi trút cơn giận lên đầu người khác, dù có lý hay không, thì chính hệ hô hấp, thần kinh, tim mạch, tiêu hoá của chúng ta lại là những nơi đầu tiên hứng chịu tác động xấu?
Hãy bắt đầu ngày mới bằng một nụ cười vì chính sức khoẻ của bạn, vì chính tương lai của bạn chứ không phải vì khách hàng, vì đối tác, vì những người thân hay vì nhân dân ...
Nụ cười có nhiều khả năng tuyệt vời, nó thư giãn cơ bắp, triệt tiêu mệt nhọc, triệt tiêu u sầu. Ngay khi sắp cáu giận, bạn cứ cố nở nụ cười trên môi, bạn sẽ dễ dàng hoá giải những vấn đề khó chịu. Bạn nên biết, đối với hệ tiêu hoá thì cau có, cấm cảu là kẻ thù còn nụ cười là người bạn tốt.
Nụ cười không để bạn bị kích động, lôi kéo tới những quyết định sai lầm do tác động xấu bên ngoài. Gặp những tình huống khó xử, trước tiên bạn hãy cố nở nụ cười, thế nào bạn cũng tìm được cách giải quyết tốt nhất.
Nụ cười và sự vui vẻ làm cho trí óc bạn hưng phấn, làm cho bạn có thể tư duy tỉnh táo và sáng tạo hơn những lúc cáu giận. Nụ cười mang lại cơ hội, mang lại nhân duyên, mang lại bạn bè…
Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Hãy bắt đầu ngày mới bằng một nụ cười vì nó có lợi cho chính bản thân bạn!
Các bạn có đồng ý với Tao không?
May 9, 2007 |