... HAY LÀ VỂ BÀI CA DAO "NGỒI BUỒN ..."
Có những điều trong cuộc sống tưởng như vặt vãnh, đương nhiên. Thế nhưng, nếu chịu khó suy nghĩ, chịu khó "nhìn đời bằng con mắt trẻ thơ", biết đâu lại tìm được điều gì thú vị từ những điều vặt vãnh và đương nhiên ấy. Ví như từ một bài lục bát chẳng rõ nguồn gốc ...
"NGỒI BUỒN ..." "Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói lên nghi ngút chẳng thơm tý nào Khói lên đến tận Thiên Tào Ngọc Hoàng phán hỏi thằng nào đốt rơm?" Sáng nay làm một trắc nghiệm nho nhỏ về ca dao: Có ai biết bài lục bát "Ngồi buồn ..."? (tên bài là do người viết đặt). Hỏi khá, mà chẳng ai biết. Vào Google "search" thấy chỉ vài bài liên quan. Sợ bài thơ hay thất truyền, cất công đưa lên đây.
Có người đọc bảo thơ thẩn thế có gì hay. Thì cứ từ từ nghe bình ... loạn đã:
Thoạt hai từ "Ngồi buồn" chẳng cho ta cảm nhận gì nhiều. Trước hết, ngồi ở đâu chả được, có thể ngồi ở nông thôn, ngồi ở thành thị, ngồi ở Việt Nam, ngồi ở Mỹ ... đất trời bao la quan trọng gì chỗ ngồi. Còn nỗi buồn thì có trăm ngàn vạn nguyên nhân: Thất tình, mất việc, gia đình lục đục, nghèo đói, con cái chích choác, nghiện net, mất việc hay bị sếp đì... Nếu vậy ngồi buồn hay nằm buồn, đứng buồn có gì khác nhau?
Nhưng "Ngồi buồn đốt một đống rơm" lại khác. Người có đống rơm để đốt chắc chắn sống ở nông thôn, nhưng không phải nông thôn của Mỹ, của Canada, mà là nông thôn lúa nước, nông thôn Việt Nam, nông thôn Thái Lan hay nông thôn Lào. Nói tóm lại là nông thôn vùng Đông Nam Á. Rõ ràng không gian đốt đống rơm đã được thu hẹp, đã được xác định.
Cái "đống rơm" đó cũng cho biết gia cảnh cái người "ngồi buồn". Rõ ràng là rơm có thể dùng cho trâu bò ăn, dùng để đun nấu, dùng để trải ổ mùa đông ... thế mà chỉ vì "ngồi buồn" cả đống rơm bị đốt!!! Đúng là cách tiêu khiển mà Công tử Bạc Liêu cũng phải ngả mũ chào thua. Đốt rơm vì nông nhàn, vì hết việc chẳng biết làm gì chứ không phải vì thất tình, gia đình lục đục ... ngồi buồn thì đốt tý cho vui thế thôi.
Không gian đã vậy, nhưng cái thú "đốt một đống rơm" xảy ra lúc nào? Chắc cũng xưa lắm vì bây giờ có nhiều giống lúa ngắn ngày, thân thấp mang về chẳng bõ nên rơm rạ thường bị bỏ lại ruộng làm phân cho vụ sau. Chỉ sáu chữ thôi mà có bao thông tin ẩn chứa trong đó. Các cụ mình ... kinh phết. Ai dám bảo thời xưa các cụ không biết nén, biết "zip" thông tin. Thế này ai dám bảo các cụ lạc hậu?
Tiếp nhé: "Khói lên nghi ngút chẳng thơm tý nào". Rõ ràng đống rơm này rất to và được lèn rất chặt. Cái tay nông dân này phải giàu lắm thì đống rơm mới to, mới chặt, mới khó cháy đến thế. Dù gì, gia cảnh tay nông dân này đã được nói ở trên, chả cần bàn thêm. Cái hay của câu này nằm ở một ý khác. Có câu "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén" thế nhưng châm thẳng lửa vào mà cháy chẳng ra hồn. Khói nghi nghút đấy. Lửa gần lắm, mạnh bạo lắm nhưng rơm chẳng mở lòng, chẳng muốn cháy thế nên cháy ép buộc, cháy cưỡng bức làm sao thơm được. Buồn đấy, vẩn vơ đấy, đốt một đống mà cháy chẳng ra cháy. "Sống mòn" của Nam Cao cũng chỉ bi bí đến thế thôi!!!
Lại nữa, câu thứ nhất sáu chữ cộng câu thứ hai tám chữ, rõ ràng lục bát nhé. Vậy cái tay "đốt rơm" phải sống ở Việt Nam rồi, trật đi đâu được. Thông tin rất nhiều mà chỉ nén vào hai câu lục bát, các chương trình "zip" cũng chào thua thôi.
"Khói lên đến tận Thiên Tào" ... Khói của đống rơm do anh nông dân đốt mà lên đến được Thiên Tào thì ác thật. Trời xa lắm, tít trên cao. Khói phải qua bao nhiêu tầng mây gió vất vả, nhiễu loạn mà Thiên Tào cũng nhiều việc trọng đại, thời gian đâu, tâm tư đâu quan tâm đến làn khói nhỏ? Thời thế thế ... hoá ra không phải thế. Rõ ràng thông tin thông suốt, đường truyền thênh thang, không mất dữ liệu ... Một nhát lên tận Thiên Tào ... Ở đây có cái gì giống như "Chính phủ điện tử ", giống như "Plug and Play" và "Chính sách một cửa" vậy. Các cụ nhà mình hoá ra tân tiến phết. Theo được, học được các cụ để "Doi Moi" còn mệt lắm.
"Ngọc Hoàng phán hỏi thằng nào đốt rơm?" . Vâng đúng là "Đèn ... zời soi xét", là bố cái của dân nên có thông tin là xác minh là phản hồi giải quyết liền tay. Trách nhiệm người đứng đầu rõ ràng lắm, đàng hoàng lắm, không đùn đẩy, không lòng vòng: Nào cái "thằng nào đốt rơm? Đến đây, ai mà không thấy bài thơ này hay thì botay.com!!!"
Đấy, từ một bài lục bát vô danh người ta có thể nghĩ ra nhiều điều thế đấy.
"Hãy nhìn đời bằng con mắt trẻ thơ"
Tạp chí Nhà quản lý Số 44 (2/2007)
|