Tôi nhìn thấy gì từ bức ảnh này nhỉ? Đơn giản chỉ là một lô giầy dép phụ nữ được bày bán. Những loại hàng mỏng, nhẹ thế này chắc chỉ dùng trong nhà và ngoài trời, nếu mùa hè. Giờ bán nhiều chắc đã cuối hè sang thu, nên hạ giá. Nhìn vào chất lượng, chắc chúng dành cho những người bình dân. Giầy dép có nhiều loại, nhiều màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng. Dù thế nào, giầy dép là khác nhau vì cỡ bàn chân và thị hiếu tiêu dùng của mọi người khác nhau.
Biết người ta khác nhau, dùng giày dép, quần áo khác nhau, rồi ăn ở, làm việc khác nhau thì phải suy nghĩ khác nhau, phải nhận thức về xấu đẹp, thiện ác khác nhau. Thế mà nhiều khi vẫn thắc mắc tại sao người này thế này, người kia thế nọ. Rồi có lúc lại muốn họ giống mình, tức là nghĩ như mình, ăn nói như mình. Hoá ra, tôi mới suy nghĩ hời hợt, chứ chưa "động não", chưa tới được cái gốc vấn đề nằm khuất đâu đó dưới những biểu hiện bề ngoài. Cũng vì thế, trước đây tôi hay tự hỏi, tại sao người ta hay cãi nhau om xòm, ví dụ khi quệt xe trên đường... Giờ thì đã rõ, đó là vì anh giày đen có cái lý của anh giày đen, chị giầy đỏ có cái lý của chị giày đỏ, chả cần biết luật giao thông là gì.
Chỉ cần "động não" với một bức ảnh nho nhỏ là đã có được nhiều điều thú vị. Thông tin được "zip" trong đó nhiều hơn những gì thấy trên bề mặt. Và đây, những gì tôi có khi tiếp tục huy động sức tưởng tượng của bộ não:
Những chiếc giày được xếp khít bên nhau, khá thẳng hàng, mũi xuôi về một hướng gợi cho tôi dòng người nào đó đổ đi đâu. Duyệt binh? Không phải, vì hàng hơi lộn xộn, không trang nghiêm, quần áo nhiều màu sắc. Có thể đó là dòng người đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Nào xe, nào cờ, nào còi, chen vai, thích cánh. Nhìn kỹ, còn thấy cả các ông bố công kênh con mình trên vai, cười tươi lắm. Mà biết đâu, đấy là dòng người đổ lên sàn chứng khoán? Nghe nói, giờ chơi món này trúng lắm. Tôi thấy cả những anh chàng, cô nàng chen nhau, rất sốt ruột, kiễng chân ngó qua cửa kính quầy giao dịch. Hoặc đấy là dòng người từ các vùng nông thôn đổ về thành thị trước làn sóng CNH - HĐH? Họ rời bỏ mảnh đất quê hương và đang mơ tới "vùng đất hứa", vẻ mặt lấp lánh hy vọng. Hoặc đó là tắc xe đường một chiều, hoặc là đám đông tại khu triển lãm Giảng Võ trong đêm "Bức Tường" chia tay ... Còn có thể tưởng tượng ra nhiều thứ nữa.
Không biết trí tưởng tượng sẽ dẫn tôi tới đâu. Tôi chỉ băn khoăn, nếu tôi cũng ở trong dòng chảy "giầy dép" ấy, tôi liệu có còn là tôi nữa không?
Đấy có lẽ là điều phát hiện lý thú nhất của tôi từ bức ảnh. Không, tôi sẽ bị kẹt trong đó, tôi không còn là tôi. Tôi sẽ làm tất cả những gì mà một thành viên của dòng chảy này làm. Tâm lý đám đông, tâm lý bầy đàn là thế.
Tôi không dám chê ai, càng không dám chê đám đông. Nhưng tôi biết, đám đông thường làm những điều mà bình thường những cá nhân tạo thành đám đông không bao giờ làm. Và đám đông thường bị số ít lợi dụng, lừa gạt vì mục đích kiếm lợi. Mà tôi không muốn bị lợi dụng, bị lừa gạt, không muốn phải làm những điều lẽ ra tôi sẽ không làm khi tồn tại là một cá thể. Tôi muốn
Tôi chủ, nên tôi phải tìm cách không nhảy vào dòng chảy ấy. Bằng cách nào, tôi chưa biết và tôi có ở ngoài được không, vì tôi vẫn phải ăn, phải ngủ, phải làm việc để tồn tại như mọi người trong cái dòng chảy ấy? Hơn nữa, sống như thế, tôi liệu có đi ngược phong cách
"một người vì mọi người, mọi người vì một người" không? Tôi có trở thành kẻ ích kỷ, lập dị và cô độc trong con mắt của đồng loại hay không?
Dù còn nhiều khúc mắc, nhưng tôi đã "động não" để ít nhiều tôi là tôi. Hy vọng, nếu tiếp tục "động não", con đường của tôi (My Way) sẽ rõ ràng hơn.
P/S: Tôi xin lỗi tác giả bức ảnh vì những suy nghĩ trên. Có thể anh chả nghĩ như tôi nghĩ.
(Còn tiếp)