Một trong các vấn đề trọng tâm của Hội nghị Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) họp tại Hà Nội từ ngày 16 đến ngày 19/11/ 2006 là tìm lời giải cho các cuộc đàm phán đa phương về thương mại trong khuôn khổ WTO khởi đầu từ Doha (Qatar) đang bị bế tắc. Tại sao vòng đám phán đóng vai trò quan trọng như vậy và APEC có vai trò gì trong thúc đẩy vòng đám phán này thành công?
Vài nét về vòng đàm phán và những vấn đề tồn tại
Có thể thấy từ sau khi ra đời và kế thừa Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) từ 1/1/1995 cho đến nay, những kết quả về tự do hóa thương mại mà WTO thực hiện từ Vòng đàm phán Uruguay (1995) và Hội nghị Seattle (30/11 đến 3/12/1999) chưa đem lại công bằng cho các nước thành viên WTO. Trong giai đoạn 1995-1999, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân của thế giới chỉ đạt 10% so với 21% của giai đoạn 1990-1994. Theo đánh giá của Tổ chức cứu trợ quốc tế Oxfam, hơn 40% dân số thế giới sống ở các nước có thu nhập thấp chỉ chiếm 3% thương mại thế giới. Vì vậy, các nước đang phát triển cho rằng họ không được lợi gì đáng kể so với những gì mà họ đã phải nhượng bộ tại Vòng đàm phán. Những cam kết thực hiện tự do hóa thương mại theo quy định của WTO đã thật sự vượt quá khả năng của các nước đang phát triển, trong khi các nước công nghiệp phát triển không giúp đỡ được bao nhiêu và cũng rất hạn chế trong việc mở cửa thị trường của họ. Những mâu thuẫn và sự bất bình đẳng về lợi ích giữa các nhóm nước ngày càng tăng, được thể hiện ở những điểm chính sau đây:
Thứ nhất, theo quy định của WTO tất cả các nước đều phải cắt giảm thuế quan, trong khi thực tế các nước phát triển vẫn duy trì thuế suất rất cao đối với hàng nhập khẩu. Ví dụ, đối với hàng dệt-may, mặt hàng chiến lược của các nước đang phát triển, các nước phát triển đã cam kết giảm mức thuế suất bình quân là 17%, nhưng thực ra EU chỉ giảm 3,6% và Mỹ chỉ giảm 1,3%. Ngoài ra còn có sự đối xử không công bằng đối với hàng nông sản, chẳng hạn các nước phát triển đánh thuế suất hàng nông sản nhập khẩu từ các nước đang phát triển cao gấp bốn lần thuế suất đánh vào hàng nhập khẩu từ các nước phát triển. Trợ cấp cho nông nghiệp của các nước phát triển trong OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development) lên tới hơn một tỷ USD/ngày, khiến quá trình thương mại các sản phẩm nông nghiệp bị bóp méo ảnh hưởng tới thu nhập xuất khẩu nông sản của các nước đang phát triển.
Thứ hai, những quy tắc, luật lệ của WTO về sở hữu trí tuệ, đầu tư, dịch vụ... đều nhằm bảo đảm quyền lợi của các nước phát triển, trong khi các nước đang phát triển phải gánh chịu nhiều tổn thất. Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan thương mại đã đặt ra những yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa, gây khó khăn cho các nước đang phát triển trong việc sử dụng tài nguyên trong nước để tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu và tạo thêm việc làm. Hiệp định đa phương về đầu tư (Multilateral Agreement on Investment - MAI) buộc các nước phải tạo ra sự đối xử bình đẳng giữa các công ty nước ngoài và công ty trong nước, khiến các nước đang phát triển lo ngại phải chịu sự cạnh tranh chi phối của các công ty nước ngoài trên thị trường nội địa. Hiệp định về thương mại dịch vụ (General Agreement on Trade in Services - GATS) buộc các nước đang phát triển phải mở cửa và tự do hóa thị trường dịch vụ, tạo ra mối lo về sự chiếm lĩnh của các công ty xuyên quốc gia trong ngành dịch vụ của các nước đang phát triển. Hiệp định về thương mại liên quan quyền sở hữu trí tuệ (Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights - TRIPS) áp đặt những hạn chế ngặt nghèo đối với quyền của các nước đang phát triển trong việc áp dụng, chuyển giao công nghệ để phát triển kinh tế...
Thứ ba, các nước đang phát triển phải đối mặt rất nhiều khó khăn trong việc khiếu kiện tại WTO về bán phá giá, về bảo vệ môi trường và về giải quyết tranh chấp, gây nhiều tốn kém cho các nước đang phát triển do những biện pháp mang tính chất trừng phạt và phân biệt đối xử của các nước phát triển.
Vòng đàm phán Doha, tên gọi chính thức là Nghị trình phát triển Doha (Doha Development Agenda - DDA), được khởi động từ cuộc họp của WTO tháng 11/2001 tại Doha, thủ đô Qatar với mục tiêu tìm cách cắt giảm các rào cản thương mại toàn cầu, với tiêu điểm thực hiện thương mại công bằng đối với tất cả các nước thành viên trong đó nổi bật là tự do buôn bán nông sản, giảm thuế đối với các mặt hàng công nghiệp, dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho mậu dịch, bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ và mở rộng quyền kiểm soát của WTO đối với đầu tư nước ngoài, chính sách cạnh tranh ... DDA dự định được kết thúc vào tháng 12/2004.
Ba mục tiêu cốt lõi của DDA là: cải thiện hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu; giảm và tiến tới xoá bỏ tất cả các hình thức hỗ trợ trong nước; xoá bỏ trợ cấp xuất khẩu. Theo đó sẽ cắt giảm toàn bộ các loại hỗ trợ mang tính bóp méo thương mại, loại bỏ tất cả các loại trợ cấp xuất khẩu vào năm 2013, rà soát và xây dựng tiêu chí cho các loại tín dụng, bảo lãnh, bảo hiểm dành cho xuất khẩu, cứu trợ lương thực, thực phẩm.
Như đã biết, WTO có hai bộ tiêu chuẩn về trợ cấp: một áp dụng cho nông sản, được đề cập trong Hiệp định Nông nghiệp (Agreement on Agriculture - AoA) và một áp dụng cho sản phẩm phi nông nghiệp, được quy định trong Hiệp định về Trợ cấp và Biện pháp đối kháng (Agreement on Subsidies and Countervailing Measures - SCM). Đối với nông sản, cho tới trước Hội nghị Hongkong 12/2005, WTO không cấm hình thức trợ cấp nào cả, kể cả trợ cấp xuất khẩu. Tuy nhiên, trước sức ép của các thành viên cũ, các thành viên mới gia nhập WTO từ năm 1995 (sau vòng đàm phán), như Trung Quốc và Campuchia, đều phải cam kết loại bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản. Nhưng trong khối EU, chỉ riêng hỗ trợ sản xuất thịt bò đã chiếm tới 84% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn khối; hay như Nhật Bản, hỗ trợ trồng lúa đạt mức tương đương 700% giá trị sản xuất nông nghiệp của nước này theo giá thế giới khiến cho không nước nào có thể xuất khẩu gạo vào Nhật Bản. Do được hỗ trợ, nông dân của các nước phát triển thường có xu hướng sản xuất nhiều hơn mức cần thiết dẫn tới việc các sản phẩm thừa được tung ra thị trường thế giới, có thể còn được hưởng thêm trợ cấp xuất khẩu, khiến cho giá cả thế giới tụt xuống gần bằng hoặc thậm chí còn thấp hơn giá thành sản xuất ở các nước đang phát triển. Theo UNCTAD (United Nations Conference on Trade and Develop), giá nông sản thế giới đã sụt giảm khoảng 50% trong vòng 2 thập kỷ qua và hậu quả là các nước đang phát triển mất đi khoản thu nhập từ xuất khẩu lên tới 60 tỷ USD hàng năm.
Sản xuất lương thực là một lĩnh vực rất nhạy cảm đối với cả các nước giàu cũng như nghèo và với hơn 70% người nghèo trên thế giới sống ở các khu vực nông thôn, không có cách nào để đàm phán có thể thành công nếu như nền nông nghiệp hiện tại của thế giới đang nghiêng theo hướng chống lại các nước đang phát triển. Chỉ khi đạt được một sự cắt giảm hiệu quả trợ cấp nông nghiệp của các thành viên WTO giàu có cũng như sự cắt giảm hàng rào thuế nông nghiệp, tất cả mới tìm được một thị trường phát triển bền vững. Thế nhưng, do bất đồng sâu sắc giữa các thành viên đang phát triển và các thành viên phát triển về vấn đề trợ cấp nông nghiệp, DDA đã không thể kết thúc theo lịch trình.
Nguyên nhân chính là do hai bên không tìm được tiếng nói chung - một bên (các nước phát triển) cho rằng đã làm hết cách để thúc đẩy mậu dịch tự do, còn bên kia (các nước đang phát triển) qui kết nước giàu thật ra vẫn tiếp tục chơi ép bằng chính sách bảo hộ mậu dịch và ưu đãi trợ cấp cho nông nghiệp. Hơn nữa công thức tiếp cận vấn đề “one-size-fits-all” (một kích cỡ vừa cho tất cả) là không phù hợp do mỗi quốc gia có mối quan tâm đến tự do mậu dịch khác nhau, ví dụ: Trung Quốc quan tâm khu vực sản xuất; Ấn Độ ưu tiên gia công; chú trọng nông nghiệp...
Những bất hợp lý trên chỉ có thể giải quyết khi có một DDA trong đó mọi người biết nhường nhịn tìm ra một giải pháp “tất cả đều thắng - win-win”. Một DDA thành công có thể cứu hàng chục triệu người thoát cảnh đói nghèo mà nước giàu vẫn có thể tìm được nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu dịch vụ và kỹ thuật vào nước nghèo.
Vấn đề cản trở là ở chỗ, giống như giữa các nước nghèo, trong nội bộ các nước giàu cũng có mâu thuẫn về công thức chung “one-size-fits-all”. Hơn nữa, mâu thuẫn trong khối các nước nghèo càng khiến các nước giàu thêm cớ không dỡ bỏ hàng rào mậu dịch.
Dù còn hạn chế, nhưng nguyên tắc nền tảng mậu dịch tự do của WTO đã ít nhiều có những ảnh hưởng tích cực trong thực tế. Ngân hàng Thế giới cho biết thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp ba đối với các nước đang phát triển chịu hạ thuế (5%/năm), so với các nước đang phát triển không chịu hạ thuế hoặc hạ ít (1,4%/năm) trong thập niên 1990. Theo khảo sát của WTO, thị phần hàng hóa trên thị trường thế giới của các nước đang phát triển đã tăng đến 31% vào năm 2004, mức cao nhất kể từ năm 1950 và các nước đang phát triển hiện chiếm gần 20% xuất khẩu thế giới. Trục mậu dịch giữa các nước đang phát triển cũng tăng (10%/năm, gấp đôi tỉ lệ phát triển mậu dịch thế giới).
Vai trò của APEC trong tiến trình đàm phán
Như đã biết, Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực kinh tế năng động đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hiện APEC có dân số 2.6 tỉ người, chiếm khoảng 60% GDP và 50% thương mại toàn cầu. Các nền kinh tế APEC đã có truyền thống đáng tự hào về vai trò đầu tàu đối với các vấn đề WTO. APEC cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa “khu vực mở”, hoạt động dưới hình thức một diễn đàn trong đó các thành viên cam kết tự do hóa thương mại trong nội bộ và mở rộng trên cơ sở một quy chế tối huệ quốc. Tương lai của APEC gắn bó chặt chẽ với một hệ thống thương mại đa biên vững mạnh và sống động.
Ngoài ra, theo tính toán của Tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace về việc ai thiệt ai hơn một khi DDA ngã ngũ dựa trên những gì đạt được tại vòng đàm phán tại Hongkong, nền kinh tế thế giới trị giá 44 ngàn tỉ USD sẽ tăng thêm khoảng 43,4 tỉ USD/năm và cơ hội hưởng lợi được chia đều cho nước giàu lẫn nước nghèo, trong đó Mỹ chỉ chiếm 4,6 tỉ USD (chưa bằng 1% giá trị nền kinh tế Mỹ) trong khoản 43,4 tỉ USD trên. Những nước thắng đậm nhờ DDA (theo mô hình Carnegie) là Nhật và EU (thu nhập chiếm 6,5 tỉ USD và 5,8 tỉ USD/năm). Với các nước đang phát triển, Trung Quốc được lợi nhất (10,3 tỉ USD/năm), gấp bốn so với Ấn Độ. Argentina, Brazil, Nam Phi và Thái Lan hưởng lợi đáng kể từ nông nghiệp. Những nước thua thiệt nặng nhất sẽ là Bangladesh, Malawi, Tanzania và Uganda cùng phần còn lại của Hạ Sahara.
Có thể thấy, thất bại của đàm phán sẽ gây nhiều tác hại cho các nền kinh tế thành viên APEC cũng như hệ thống thương mại đa biên toàn cầu. Do đó, ngày 18/11/2006, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14 họp tại Hà Nội đã ra Tuyên bố về Chương trình nghị sự phát triển Doha của WTO, khẳng định ưu tiên hàng đầu của APEC là ủng hộ DDA và quyết tâm nối lại đàm phán nhằm đạt được kết quả có thể đáp ứng nguyện vọng của tất cả các thành viên WTO thông qua việc xây dựng một gói cam kết tổng thể bao gồm: tiếp cận thị trường đối với hàng công nghiệp; cam kết mới về mở cửa thị trường dịch vụ; các vấn đề quy tắc và thuận lợi hóa thương mại. Tuyên bố nêu rõ APEC sẽ đi xa hơn những cam kết hiện tại trong các lĩnh vực chủ chốt của Vòng đàm phán, có nghĩa là cắt giảm hơn nữa hỗ trợ nông nghiệp có tác động bóp méo thương mại của những đối tác lớn, mở rộng tiếp cận thị trường trong nông nghiệp, cắt giảm thực sự thuế quan hàng công nghiệp và đưa ra những cam kết mới về mở cửa thị trường dịch vụ, trong khi giải quyết một cách nghiêm túc những quan ngại và những vấn đề nhạy cảm của các thành viên. Tất cả các thành viên APEC đều sẵn sàng đi tiên phong trong lĩnh vực này, đồng thời yêu cầu những thành viên WTO khác cũng phải thể hiện quyết tâm và sự sẵn sàng.
Chính vì những lý do trên mà Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy trong bài phát biểu của mình tại APEC đã nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của APEC trong việc thúc đẩy sự thành công của vòng đàm phán Doha và kêu gọi doanh nhân APEC cứu vãn Doha ./.
Pi C&E - Tạp chí Nhà quản lý Số 42 (12/2006) |