Mấy tháng qua, dư luận xã hội rất quan tâm đến sự cố xăng lẫn aceton được nhập khẩu và lưu hành trên thị trường gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Có nhiều cuộc họp, hội thảo của các bộ ngành, cơ quan quản lý liên quan với các nhà khoa học, quản lý doanh nghiệp … để tìm hiểu: Do đâu xăng lẫn aceton lọt vào nước ta? Do tiêu chuẩn quốc gia hay do công tác xuất nhập khẩu lỏng lẻo? Có cần quy định hàm lượng aceton hay không, nếu cần thì bao nhiêu? Có cách nào xử lý nếu không thể tái xuất? Có thể pha loãng để tiếp tục sử dụng không? … Trong khi tất cả còn lúng túng tìm hướng giải quyết, xăng bẩn nhập về vẫn tiếp tục loang ra nhiều nơi bất chấp lệnh thu hồi, bất chấp việc đối tác nước ngoài đã nhận đổi lại số xăng này. Từ những gì nêu trên, có thể thấy hệ thống quản lý xăng dầu nói riêng và hệ thống quản lý nói chung còn nhiều bất cập, cụ thể là: Các nhà quản lý lơ mơ về các vấn đề phải quản lý: Vì vậy họp hành rất nhiều, tốn thời gian, tiền bạc … nhưng không hiệu quả, nhiều khi còn rối thêm. Nếu hiểu rõ: a) Xăng thương phẩm (với các chỉ số octan khác nhau) hình thành do pha trộn Naphtha (thu được khi chưng cất dầu thô) trong nhà máy lọc dầu với một số hoá chất để đảm bảo các chỉ tiêu quy định như: chỉ số octan, điểm sôi đầu, điểm sôi cuối, hàm lượng lưu huỳnh, benzen, chỉ số ăn mòn … Và xăng thương phẩm sẽ được nhà máy lọc dầu bán hoặc trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối của mình hoặc gián tiếp thông qua các hãng, đại lý, công ty kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu khác; b) Aceton không có trong dầu thô, không tự sinh ra khi chưng cất dầu thô. Aceton có khả năng làm tăng chỉ số octan và khả năng cháy của xăng như các chất phụ gia khác là MTBE, ETBE, TAME (hiện đang được một số nước dùng thay cho phụ gia có chứa chì trước đây) nhưng vì aceton rất độc, rất dễ bay hơi và thường đắt hơn xăng nên không nước nào dùng nó làm phụ gia cho xăng; thì ngay từ đầu, chúng ta đã có thể tập trung tìm nguyên nhân sự cố chỉ trong khâu xuất nhập, vận chuyển tàng trữ sản phẩm dầu giữa các nhà kinh doanh trong và ngoài nước. Và nếu hiểu rõ rằng vì tính độc hại của aceton nên thế giới chưa bao giờ sử dụng aceon để pha xăng, do đó họ không quy định hàm lượng aceton trong xăng thì tình hình đã không rối ren thêm bởi những câu hỏi đại loại như có thể pha loãng xăng bẩn được không, liệu Việt Nam có cần quy định hàm lượng aceton trong xăng hay không và nếu cần thì là bao nhiêu là đủ. Giả như do các nhà quản lý Việt Nam cẩn thận cứ quy định (thừa còn hơn thiếu) thì từ đó lại dẫn tới một điều vô lý là khi có người nào đó (vì mục đích kiếm lời bất chính) pha thêm dầu hoả, diesel hoặc những thứ gì gì đó vào, thì để ngăn ngừa cần chúng ta lại phải bổ sung quy định tiêu chuẩn về dầu hoả, diesel … trong xăng? Tiêu chuẩn về gạo, café sẽ phải bổ sung những gì nếu chẳng may xi măng, vôi, cát, mọt, gián … vô tình hay hữu ý được trộn vào một mẻ gạo, một mẻ café nào đó? Có thể dẫn ra rất nhiều lĩnh vực mà trong đó các nhà quản lý rất lơ mơ về các vấn đề phải quản lý. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để một số người lợi dụng đưa ra những cơ chế chính sách, những giải pháp, đề xuất tréo ngoe hòng làm giàu bất chính cho cá nhân. Bộ máy quản lý cồng kềnh nhưng trách nhiệm quản lý mờ nhạt, không ai chịu trách nhiệm: Trong sự cố aceton, khi các doanh nghiệp cũng như đối tác nước ngoài không chịu công bố về nguồn gốc của lượng aceton quá cao trong xăng, dư luận muốn biết Bộ Thương mại có biện pháp gì để trả lời cho công luận, một quan chức cao cấp của bộ này trả lời: "Ai nhập khẩu loại xăng có chứa aceton cao thì phải chịu trách nhiệm. Dù doanh nghiệp đó có khách quan khi nhập khẩu xăng hay là nạn nhân của việc nhập khẩu xăng aceton, thì doanh nghiệp đó vẫn phải chịu trách nhiệm", và cho rằng “việc tại sao trong xăng có aceton là việc của Bộ Khoa học và Công nghệ - bộ chịu trách nhiệm trước Nhà nước về quản lý chất lượng xăng dầu nhập khẩu”. Trong khi các cơ quan quản lý đùn đẩy, đổ trách nhiệm cho nhau, người dân vẫn phải sử dụng xăng bẩn. Lẽ dĩ nhiên, doanh nghiệp nào gây lỗi, doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp, nhưng bộ quản lý và các bộ, ngành liên quan khác có trách nhiệm đến đâu? Cuối cùng thì cá nhân nào là người chịu trách nhiệm cao nhất trước dân về những thiệt hại xảy ra? Trong các vấn đề nổi cộm của giáo dục, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, giao thông, môi trường … hiện nay, có thể thấy bộ máy quản lý dù rất cồng kềnh nhưng hoạt động kém hiệu quả và luôn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Một số bộ trưởng hiện đã tỏ ra đi sâu đi sát, nắm bắt thực tế, nhưng cũng dễ trở thành bao biện, làm thay công việc của cấp dưới, sa đà giải quyết sự vụ, giải quyết tranh chấp lặt vặt mà quên mất trách nhiệm quản lý vĩ mô. Năng lực kiểm soát của bộ máy yếu kém, nói không đi dôi với làm: Lệnh thu hồi xăng ban ra được khá lâu, nhưng cho đến nay các doanh nghiệp đã thu hổi được bao nhiêu? Báo chí đưa tin là đã thu hồi hết, thực tế có đúng như vậy không? Ban lệnh thu hồi rất dễ đối với các nhà quản lý, nhưng đối với doanh nghiệp có xăng bẩn thì rất khó khả thi vì nhiều lý do: Không đủ bồn bể để chứa, nếu có cũng không biết phải trữ bao lâu vì phụ thuộc vào kế hoạch của đối tác nước ngoài; vốn bị đọng … Các nhà quản lý sẽ làm gì nếu các doanh nghiệp vẫn lẳng lặng pha loãng, tuồn xăng bẩn ra thị trường? Các nhà quản lý sẽ kiểm soát cách gì để người tiêu dùng yên tâm rằng xăng mình mua có đủ chỉ số octan như niêm yết, có đủ chất lượng như tiêu chuẩn quy định, rằng trả tiền 3 lít thì được đong đúng 3 lít chứ không phải là bị bớt đi còn 2,8 hay 2,9 lít? Các nhà quản lý có cách gì kiểm soát, ngăn chặn việc sử dụng bột cọ toa-let làm chất ninh xương, dùng bột giặt làm chất tạo bọt cho café? … Chúng ta vừa có luật chống tham nhũng. Tất cả còn đang hô hào quyết tâm chống tham nhũng, nhưng kết quả phiên toà ở Hải Phòng xét xử vụ chia chác đất công ở Đồ Sơn với sự can thiệp quá sâu của thành uỷ và chính quyền thành phố đã không chứng minh được những điều ta nói khớp với những cái chúng ta đang làm. Để cải thiện tình hình, không có cách nào khác là phải tìm được cơ chế sử dụng người tài, tổ chức được bộ máy quản lý tinh gọn, quy được trách nhiệm cá nhân cho người đứng đầu, bỏ hẳn cung cách quản lý kinh tế theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” của bộ máy quản lý nhà nước hiện nay và quan trọng nhất là đừng nói một đằng làm một nẻo ./. |